Wednesday, December 17, 2008
Thieu Uy Tran Van Qui
Name: Hoang Hoa
City: Saigon, Viet Nam
Sent: Sun February 06 2005 21:02
Anh tôi là cựu sinh trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Anh đã hy sinh tại Kontum ngày 6 tháng 2 năm 1974. Kỷ vật còn lại là tấm thẻ bài, vài tấm hình và một bức thư dài chưa kịp gửi, vì suốt thời gian hành quân không thể gửi thư về nhà được, kể cả kỳ tiếp tế vì máy bay có đáp xuống được đâu mà chuyển thư.
Anh viết "trên đỉnh đồi 949m nhìn về thành phố Kontum thấy nhớ nhà làm sao ấy, ở đây mỗi ngày chỉ viết 1 trang vừa làm nhật ký vừa làm thư, và cũng là lúc đang suy tư về gia đình đó! Bây giờ chỉ có cách chờ ngày về dưỡng quân mới bỏ thư được, chắc sau gần 1 tháng trời bặt tin bặt tức ở nhà cũng trông thư con lắm, nhưng vì chiến cuộc con chẳng biết làm sao hơn, nếu thư liên lạc thường xuyên không được thì sau ngày hành quân con sẽ gửi về nhà một lá thư dài thế này để bù lại những ngày gửi thư lẻ tẻ ".
Bức thư đó đã được tìm thấy trong túi áo của anh. Quanh xác anh nằm vương vãi 6 đôi dép râu, tay anh còn chốt lựu đạn. Một viên đạn xuyên sọ và xuyên đùi đã cướp đi mạng sống của anh khi tuổi đời chưa đầy 21. Suối Non Nước và đồi Tân Cảnh đã ghi lại dấu chân sau cùng của cố Thiếu Úy Trần Văn Quí.
Anh đã hy sinh cho non sông, xứng đáng là trai nước Việt hào hùng, đem mồ hôi pha máu hồng viết thành sử xanh. Có thể nào tôi gửi được hình ảnh và cả bức thư lên trang web này để hương hồn anh được ấm áp bên bạn bè chiến hữu ????
* * * * *
Subject: Re: Co Thieu Uy Tran Van Qui
Date: Tue, 8 Feb 2005 08:07:18 -0800 (PST)
From: Hoa Hoang
Anh Xuan Hung men,
Toi khong biet noi the nao de cam on anh da giup do dua hinh va thu cua anh toi len trang web Thu Duc. Duoc nhu vay chac la huong hon cua anh toi se duoc am ap lam. Trong mot dip tinh co toi duoc biet ve trang web nay. Toi xuc dong den trao nuoc mat. Cam on anh da co 1 tam long. Toi gui anh 1 tam hinh va buc thu. Toi con 4 tam hinh nua ma chua scan duoc. Qua tet toi se dem ra dich vu scan xong toi se gui tiep cho anh nhe. Buc thu toi da type lai bang font Arial (unicode). Trong hinh la 2 anh cua toi chup chung, anh Qui la anh thu 3, con anh kia la anh thu 4 trong gia dinh, toi la em gai thu 11.
Sap den giao thua roi. Chuc anh 1 nam moi that vui nhe.
Hoang Hoa
* * * * *
Kontum, 30-11-73
Kính thưa Ba Má!
Con vừa nhận được 1 lá thư ở nhà đề ngày 21-11-73, chứ không nhận được lá thư 18-11-73 và con hồi âm liền đây!
Hiện giờ con đang hành quân trong 1 khu rừng rất rậm ở vùng Con-Sơm_luh cách thành phố Kontum khoảng 10km đường chim bay, con nhận được thư trong kỳ tiếp tế hôm qua 29-11-73, mấy hôm nay trung đội con đang đóng chốt nghỉ chân trên 1 ngọn đồi cao 949m, con giữ nhiệm vụ Trung đội trưởng, chỉ huy trực tiếp 1 trung đội người kinh với trách nhiệm chiếm giữ ngọn đồi này và an ninh những vùng xung quanh.
Thưa Ba Má, từ hôm ở tiểu khu Kontum chơi gặp trung sĩ Châu nhờ đưa thư tay về nhà đến nay đã hơn nửa tháng, và kể từ đó con ở miết trong rừng đến nay chưa nhìn thấy mặt trời cũng như nhà cửa làng mạc gì cả, xung quanh mình toàn là cây cối chằn chịt, hố sâu, suối vắng, và những thành núi thẳng đứng phải bám leo lên...
Con đến Kontum ngày 5-11-73 và ở phố chơi đến 13-11-73 con ra trình diện đại đội. Ngay hôm đó con nắm Trung đội trưởng Trung đội 3 Đại đội 2, và chỉ có 3 tiếng đồng hồ sau Đại đội 2 có lệnh giải tán để bổ sung binh sĩ qua 3 đại đội còn lại của tiểu đoàn 252, còn cán bộ của Đại đội 2 đi theo bộ chỉ huy nhẹ.
Sáng ngày 14-11-73 tiểu đoàn con làm lễ xuất quân, ở bộ chỉ huy chiến thuật bên sông Đáp-La cách thành phố Kontum khoảng vài chục cây số, buổi lễ vừa xong có 1 đoàn trực thăng khoảng 10 chiếc xuống chở tiểu đoàn con vào vị trí hành quân, con theo Bộ chỉ huy nhẹ đi chuyến máy bay sau cùng, với ba lô, súng, đạn và lương thực đầy đủ, con ngồi lên trực thăng thòng 2 cẳng ra và chĩa súng xuống đất vì trong máy bay người ta ngồi chật cứng rồi. Từ Bộ chỉ huy chiến thuật đến vị trí hành quân khoảng 15km đường chim bay, nếu đi bộ thì suốt ngày mới tới, bãi đáp ở đây là 1 ngọn đồi đã được dọn cây trống trãi, xung quanh gài toàn mìn và lựu đạn, chỉ có 2 con đường mòn rất nhỏ từ đó di chuyển ra xung quanh, khi đến bãi đáp, máy bay không đáp hẳn xuống mà cứ lơ lửng cách mặt đất khoảng 1,5km và con phải nhảy xuống nhưng không sao cả, chỉ xiểng niểng vì sức gió của cánh quạt.
Xuống máy bay rồi con theo Bộ chỉ huy nhẹ, đi theo đường mòn cặp theo triền dốc xuống núi, đường mòn ở vùng này toàn là lên dốc, xuống dốc hoặc lội dọc theo những con suối ngập cỡ đầu gối, và bây giờ con cũng như mấy ông Hạ sĩ quan trong đại đội phải tự lo cơm nước, đào hầm, canh gác v.v… giống như binh sĩ vậy, vì lúc này cán bộ không có lính trong tay. Sau khi đổ quân con di chuyển liên miên, không ngày nào được đóng quân cả, chỉ có buổi trưa dừng quân lại 1 vài giờ, cơm nước, nghỉ ngơi rồi lại bắt đầu di chuyển, đến chiều tìm những ngọn đồi cao, ở đó dừng quân để ăn cơm chiều và lo đào hầm hố phòng thủ, xong rồi căng poncho sửa soạn chỗ ngủ.
Trong cuộc hành quân này con quen với ông Trung sĩ Chinh năm nay 40 tuổi, ông hành quân ở vùng Kontum gần 20 năm nay, lúc trước ông làm Trung đội phó Trung đội, nhưng vì Đại đội bị giải tán binh sĩ, nên con đi chung với ông. Ông ta nấu cơm và nước cho con ăn chung, cũng như hầm hố, lều chỏng đều chung nhau cả, ông có nhà ở chợ Kontum và bà nhà cũng buôn bán tại đó.
Những ngày đầu đi hành quân con bị trợt té liên miên vì trời mưa tầm tả cả tuần lễ, con phải bám theo những nhánh cây leo lên đồi, nhất là đi dưới suối dễ bị té nhất vì nước chảy rất xiết và có nhiều tảng đá trơn lởm chởm; Trong hơn 1 tuần lễ đầu, ngày cũng như đêm, quần áo đồ đạc của con đều ướt sủng vì rừng này âm u quá, không có ánh nắng, mà dưới suối lại có rất nhiều con vắt, con này giống như con đĩa nhưng nhỏ bằng cây đinh 5 phân thôi, con vắt này cắn rất độc, ai lội qua suối cũng bị nó leo lên chân, bò lên mình, lên cổ để hút máu, nó có thể chui xuyên qua vớ để hút máu chân, có khi chui vô giày rất nhiều, mà đang lúc di chuyển dưới suối với trang bị nặng nề đâu ai còn để ý đến việc gỡ những con vắt, nên khi dừng quân nhiều người cởi giày ra thấy lưng một giày máu và vớ cũng ướt đẫm máu vì những vết cắn của con vắt, con cũng bị vắt cắn khá nhiều, nhưng nhìn thấy là bắt ngay, con này rất là dai và trơn nên tay ướt cũng khó bắt, vì cứ lo bắt vắt nên con vấp mấy tảng đá té như điên, về đêm trời cũng vẫn mưa, con và bác Chinh bứt lá cây lót xuống đất nằm nghỉ mệt chứ không sao ngủ được vì đồ đạc, mền, khăn, cái gì cũng ướt, ở đây là xứ muỗi sốt rét nhưng không ai mang mùng cả, con cũng vậy, nếu có đem mùng theo cũng không mang nổi và cũng không có chỗ để, vì ba lô của ai cũng có 10 ngày gạo và đồ đạc, súng đạn, hơn nữa xài mùng bất tiện lúc bị đột kích.
Binh chủng Địa phương quân thì hầu hết chỗ nào cũng sướng, nhưng ở Kontum thì khác hẳn, không phải đóng đồn hay giữ cầu, hoặc phè phỡn ở thôn ấp như Bình Dương chẳng hạn, hoặc địa phương quân ở Vùng 4, mỗi lần hành quân là vào nhà dân nhậu nhẹt ăn uống.
Địa phương quân ở Kontum chỉ được mỗi cái là khỏi lo vấn đề bị bắn sẻ vì ở đây toàn cây cối và dã thú chứ không 1 bóng người, quanh năm suốt tháng chỉ sống với núi rừng, chỉ có thể quay về xum họp với gia đình trong đêm trường thanh vắng, nhưng cũng chưa hẳn hưởng 1 giấc chiêm bao trọn vẹn vì còn phập phồng lo sợ cho chính bản thân mình và các binh sĩ thuộc hạ, mình phải gánh nặng trách nhiệm trên vai. Có lẽ số con phải khổ vì con đã tự ý chọn Kontum nên không than van với ai được, nhưng đối với gia đình con phải nói hết những sự thật phủ phàng cũng như những diễn tiến mà chính con gặp phải để Ba Má khỏi bận tâm, hoang mang vì con.
Đời sống ở đây nói đúng ra là nó gian nan hơn quân trường gấp bội. Trong cuộc hành quân cả Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn phó, ông nào cũng phải mang ba lô, lương thực và súng đạn, vì ở đây mỗi người đều tự lo cho mình cả, hành quân trong rừng 10 ngày tiếp tế 1 lần và mỗi cuộc hành quân từ 1 tháng trở lên, tệ hại nhất là vấn đề ăn uống, mỗi ngày chỉ ăn được 1 ca gạo, có khi với khô, có khi với muối, vì đồ ăn phải tự túc , có gởi tiền, tiếp liệu mới mua, còn gạo mỗi lần tiếp tế 10 ca, 1 tháng 3 lần và trừ lương 3.000 đồng 1 tháng, hành quân như vậy muốn ăn thêm nhiều cơm cũng không được, vì sức người chỉ mang được 10 ca gạo với các đồ trang bị khác. Lúc đầu mang gạo nặng quá, leo núi không nổi, con cho tụi nó bớt, đến gần 1 tuần sau con ăn hết sạch, không còn gì để ăn nữa, vì trong rừng này không có cái gì ăn được cả, may nhờ bác Chinh còn gạo chút đỉnh, ổng phải chia cho con nên 1 ngày mỗi người chỉ ăn được 1 chén cháo với muối hột để chờ ngày tiếp tế, lần đầu tiên ăn muối không quen nên tay chân bủn rủn, leo lên 1 ngọn đồi phải nghỉ hàng chục lần! Kontum là nơi cuối cùng, không còn đâu hơn nữa, mặc dầu tình hình đã yên đến 9-10 phần, ở đây ngoại trừ lính người Thượng ra, thì lính người Kinh toàn là những tên năm cha bảy chú, những tù giết người vừa ở quân lao ra, tên nào tên nấy đều mặt rằn dữ tợn; còn con, không hiểu ma quỷ dẫn đường thế nào mà ra đây đề bị đày ngang xương, lãng xẹt; con nghe tụi lính kể lại nỗi khổ trong quân lao, con thấy còn sướng hơn đi hành quân ở đây nữa, vì ở đó ăn uống đầy đủ, đi đứng thong thả, không làm gì hết, thân nhân có thể thăm bất cứ lúc nào và muốn tắm rửa ngày mấy lần cũng được. Bây giờ con mới thấy ở quân trường là sướng, vì tất cả những gì đều có cán bộ lo cả, lúc đó cứ tưởng đi học bãi là cực, những ngọn đồi ở Thủ Đức cao nhất chỉ có 30m thôi, nhưng đồi ở đây thấp nhất cũng 900m hoặc 1000m trở lên, và bây giờ mình là 1 cán bộ thì ngược hẳn lại, tự mình phải lo cho mình và cho các binh sĩ. Và lúc còn đi học lại là những lúc sung sướng nhất đời, vì còn sum họp với gia đình, còn hưởng được không khí ấm cúng với nệm ấm chăn êm, và ăn uống như vậu là đầy đủ quá, ấy thế mà còn chê khô, mắm nữa chớ!
Nhưng bây giờ thui thủi 1 mình ở nơi lam sơn chướng khí với biết bao nhiêu tử thần đang chờ chực, nhiều khi đóng quân gần con suối mát trong xanh, nhưng không dám xuống tắm vì sợ ăn B40 vì chiến trường ở đây chỉ tiêu thụ B40 và lựu đạn thôi! Hơn nữa tắm suối thế nào cũng bị vắt cắn có khi muỗi cắn còn nhiều hơn vắt nữa, cả 2 loài con nào cắn cũng bị sốt rét cả, chứng bệnh sốt rét này nguy hiểm vô cùng và người mắc bệnh này dễ chết nhất! Trường hợp bệnh nhẹ thì không chết nhưng khống có thuốc gì chữa khỏi cả, suốt đời cứ nóng nóng lạnh lạnh mãi, có lần con xuống suối múc lên 1 lon guigoz nước thật trong nhưng chưa uống vội, con đun sôi lên thấy những bọt nước đỏ ngầu như máu! Con phải vớt bỏ những bọt nước và để lắng những cặn đỏ mới sớt nước ra quậy với thuốc lọc nước rồi mới uống, ngoài ra con rất cẩn thận bôi thuốc muỗi khi ngủ nên tuy ăn uống cực khổ con vẫn khỏe mạnh như thường, nước suối ở đây rất độc, nó thấm qua những lớp lá cây và phân thú rừng, và nhiều nơi thây người chết nhiều quá chôn không kịp để nằm ngổn ngang trên mặt đất cũng bị nước thấm qua, bây giờ tình hình rất yên nhưng thỉnh thoảng đi ngang qua những đống xương người và những cái sọ ngổn ngang và mấy con quạ trên cây kêu kên những tiếng rợn người.
Thắm thoát 1 tuần lễ ăn muối đã qua, đến ngày 20-11-73 có 1 đoàn trực thăng đến tiếp tế, các binh sĩ được tiếp tế gạo và khô, mắm, còn cán bộ từ Hạ sĩ quan trở lên chỉ tiếp tế gạo thôi, còn đồ ăn phải tự túc, tức là có gởi tiền mặt cho tiếp liệu mới có. Như vậy con chỉ có gạo thôi, còn ông Chinh có đồ ăn ở gia đình gởi lên nên con ăn đồ ăn chung với nhau.
Trong kỳ tiếp tế này, trực thăng có đổ quân thêm 1 số nữa, trong đó có thằng bạn cùng Đại đội con ở Thủ Đức, từ hôm trình diện Tiểu khu Kontum nó bệnh rất nặng không đi đâu được, khai bệnh cũng không được luôn, nên kỳ tiếp tế nó bốc đi, đến nơi nó không nhảy xuống được mà máy bay cũng không đáp hẳn xuống đất, tới chừng máy bay cất lên cao khoảng 3m, nó bị đạp văng xuống đất, cả ba-lô, súng đạn cũng văng theo luôn! Ông Tiểu đoàn phó trông thấy cũng lắc đầu, cứ tưởng nó bị xóc cây nhọn vào người rồi! xuống tới nơi nó nằm liệt giường không đi đâu được, nhưng cũng may nó chỉ bị cây xướt rách áo thôi! Sau đó ông Tiểu đoàn trưởng ra lệnh có đám lính Thượng chặt sát gốc những gốc cây nhọn lởm chởm trong bãi đáp, nhưng vì bãi đáp rộng quá nên chặt suốt ngày cũng chẳng được bao nhiêu.
Từ ngày lãnh tiếp tế, bộ chỉ huy nhẹ đuợc đóng quân tại chỗ 5 ngày liền, và bắt đầu từ đó trời cũng hết mưa, 1 trận mưa sái mùa do 1 cơn bão đưa đến! và bây giờ con mới đi theo đường mòn, theo mấy ông người Thượng xuống 1 hố sâu dưới chân đồi, cách chỗ đóng quân 300m, ở đó có 1 con suối rất trong, lúc đó con có thể tắm rửa, bứt lá tàu bay và lá cây dến ở 2 bên bờ suối về nấu canh, có khi theo mấy ổng bứt măng le về ăn, và lấy nước uống cũng ở đây, măng le là những cây tre non chưa trổ lá, nó là những mục măng rất già, cao khoảng 4-8m, người ta chặt những cây đó xuống rồi bẻ những phần mềm trên ngọn ăn được, đôi khi mấy ổng cũng ném lựu đạn bắt cá, nhưng suối nhỏ quá, cũng không được bao nhiêu, mỗi quả lựu đạn chỉ được chừng 1 kg cá nhỏ thôi, ở đây tụi Thượng kiếm ăn rất giỏi, tụi nó làm bẫy bắt chuột, đào hang bắt heo đất, tụi nó ăn thịt không chừa con nào hết, nào cóc, nhái, rắn, rết tụi nó làm nốt, và thịt rừng mỗi ngày có ăn đều đều, bắt được con nào tụi nó cũng thui rồi mới làm thịt.
Thắm thoát cũng 5 ngày trôi qua, 5 ngày trời sống như chính phủ lưu vong, Đại đội con toàn là cán bộ chứ không có lính, lúc này đồ đạc cũng tương đối khô ráo nên đêm đến có thể thả hồn về nhà ẳm Út Lộc chút đỉnh, nhưng ác nghiệt thay, ban đêm là cả lớp sương mù dày đặc, phủ kín núi rừng, và khí lạnh của núi rất khủng khiếp, không có mền nào đắp ấm được, còn tấm ra trắng của con chỉ để lót nằm chứ không thể đắp được, vì đắp cũng vẫn lạnh mà còn mất yếu tố ngụy trang ban đêm, nên con đắp chung mền với ông Chinh, nhưng cái mền nỉ của ông chỉ còn một nửa, vì nếu để nguyên ông mang không nổi, lần đầu tiên hành quân trong rừng nên con không biết nhu cầu cần những gì để chuẩn bị trước.
Sáng ngày 25-11-73, Bộ chỉ huy nhẹ con di chuyển đến Bộ chỉ huy nặng Tiểu đoàn, Bộ chỉ huy nặng đóng trên 1 ngọn đồi cao 1.250m, cách chỗ con ở khoảng 5km, sáng sớm cơm nước xong là chuẩn bị đi liền, vì ông Tiểu đoàn phó đi sai phương giác nên tất cả đều bị lạc giữa rừng, và phải lên đồi xuống suối liên miên, mãi đến trưa mới tới chân ngọn đồi 1250m, ở đó nghỉ ngơi 1 chút rồi bắt đầu leo lên, ngọn đồi trông không cao bao nhiêu, nhưng leo mãi cũng không tới đâu cả, đến chiều tối mới lên tới đỉnh đồi, tới nơi con gặp 2 thằng bạn cùng khóa, được ở Đại đội 1 và bây giờ đại đội này di chuyển sang đồi khác nhường chỗ cho Bộ chỉ huy nhẹ ở; sau 1 ngày lội núi, mấy thằng thượng ở Bộ chỉ huy nhẹ có bắn được 1 con kỳ đà bằng bắp vế, bọn chúng thui lên rồi xào nấu theo kiểu thượng, con có ăn vài miếng nhưng tanh quá ăn ớn cổ, tụi con đang ăn uống ngon lành bỗng nghe những tiếng réo của đạn B40 ở dưới thung lũng phía Bắc, kế tiếp là những tiếng nổ long trời, rồi hàng loạt đạn M16, trong vòng 5 phút lựu đạn và M79 nổ như mưa bấc, chiếc máy PRC/25 ở Bộ chỉ huy tiếu đoàn báo về là Trung đội của 2 thằng bạn lúc nãy bị phục kích tan hàng tất cả, mấy thằng lính thượng lúc đó quen đường mòn, chạy rút đâu mất hết, còn thằng truyền tin người thượng sợ quá không liên lạc được gì, nó chỉ báo cho biết là hiện giờ chỉ còn 2 chuẩn úy và 1 truyền tin đang lạc dưới hố, và máy lại ngưng hẳn liên lạc, Bộ chỉ huy tiểu đoàn gọi pháo binh bắn xối xả về hướng súng nổ định thí quân, tới sáng mai lại yên hẳn và có máy liên lạc về được, Tiểu đoàn cho máy bay L19 dẫn đường tụi nó về, đến nơi chỉ còn có 5 người, 2 thằng lính bị thương bàn tay bị nghi là hủy hoại thân thể, 2 thằng chuẩn úy bị nhốt, còn thằng truyền tin bị đánh 20 roi và bị phạt mang 2 trái lựu đạn xuống suối kích đêm về tội không liên lạc thường xuyên về bộ chỉ huy. Sau ngày tiếp tế có 1 tuần mà lương thực gần hết rồi, gạo còn rất ít mà cá khô thì hết sạch, con xin được 2 nắm gạo của mấy đứa quen và phải đi xin từng muổng muối để ăn với cháo trắng.
Đến ngày 27 -11-1973 có lệnh tất cả các cán bộ của Đại đội 2 phải trở về ngọn đồi củ của Bộ chỉ huy nhẹ gần bãi đáp trực thăng, để đón nhận toán lính mới, vừa bổ sung cho Đại đội 2, toán lính này gồm 51 người, bị bệnh hết 3 chỉ còn 48 thôi, tụi nó phải lội bộ từ Bộ chỉ huy chiến thuật đến bãi đáp suốt 1 ngày trời, đến chiều tụi nó tới nơi, con và ông Chinh nhận được 13 binh sĩ, sau đó bị lấy bớt 5 người để bổ sung qua đại đội trinh sát, chỉ còn 8 người kể cả con và ông Chinh trung đội phó chỉ được 10 người, trong đó có 1 ông trung sĩ nhất rất già. Ông nào ông nấy cỡ tuổi 30 trở lên chứ không có nhỏ và tất cả đều là lính ở quân lao mới ra trường nên mặt mày thằng nào cũng có sọc rằn cả ! sau khi nắm trung đội 3 con được chỉ định dẫn lính lên ngọn đồi ở gần đồi ban chỉ huy đại đội ngay buổi tối hôm đó.
(hình vẽ)
Trên đồi này là 1 cái chốt đã có hố phòng thủ sẳn, đỉnh đồi rất là lớn và cây cối âm u, con chỉ có 1 bản đồ Kontum, 1 địa bàn và 1 thằng truyền tin mang máy PRC/25 đi theo, ở đây con liên lạc thường xuyên về Ban chỉ huy đại đội, vì nếu cúp liên lạc 15 phút là đại đội sẽ kêu pháo binh phá hủy ngọn đồi này ngay, còn trường hợp bị hư máy phải tìm cách di chuyển chỗ khác, chứ mất liên lạc là coi như đã bị VC chiếm!
Sau 1 đêm canh phòng cẩn thận trên đồi, sáng sớm phải báo máy về đại đội là tình hình trong đêm vô sự, và sự yên ổn kéo dài đến trưa ngày 28/11/1973, có một loạt súng cối 61 ly pháo vào sân bay, vừa nghe nổ là con lấy địa bàn ra đo hướng nổ và ước lượng khoảng cách từ đồi mình đến chỗ phát ra tiếng nổ rồi báo máy về đại đội như các trung đội khác, mà đại đội đã chỉ định để tìm ra tọa độ của nơi bị pháo kích. Sau đó có lệnh ở đại đội đưa xuống chỉ định trung đội 3 để lại tại chốt 1 nửa quân số, còn 1 nửa đi theo trung đội trưởng và truyền tin về ban chỉ huy đại đội phối hợp với toán lính thượng đi lục soát quanh bãi đáp và cách bãi đáp 500 m, xung quanh bãi đáp không có đường mòn gì cả, cây cối chằng chịt phủ không thấy mặt trời, con để toán lính thượng đi đầu, đến đâu chúng chặt cây đến đó, lúc này con phải sử dụng địa bàn đo phương giác và ước lượng khoảng cách để đi, chứ không nhìn thấy sân bay nên tụi thượng cũng không biết đi hướng nào, đi khoảng 100 m phải báo máy về ban chỉ huy tọa độ điểm đứng lúc đó, ở bộ chỉ huy theo dõi con đi phương giác rất đúng, ước lượng khoảng cách bước đôi bị sai, vì phải xuống lồi lõm nên con phải đi thêm nửa giờ nữa để trừ hao khoảng cách đường chim bay, mãi đến 5 giờ chiều con mới trở về đến chân đồi, con cho lính nghỉ chân 1 chút rồi bắt đầu leo lên, lúc này sương xuống lành lạnh và sa mù bắt đầu phủ xuống, toán lính người kinh cũng nóng trở về đại đội nên dành đi trước toán lính người thượng, lên gần tới đỉnh đồi con con có cảm giác lạ lắm, khu đồi này sao âm u quá, con nghĩ thầm chắc mình bị đi lạc nhưng tại sao máy của bộ chỉ huy bảo cứ quẹo lên ngọn đồi bên tay trái là tới? tự nhiên con bị rùng mình mấy cái vì đám sương lạnh, con chỉ kịp niệm 1 câu : "Nam mô cứu khổ cứu nạn quảng đại linh cảm bạch y quan thế âm bồ tát" vừa dứt là 1 loạt đạn M16 của toán lính đi đầu quét thẳng tới trước, loạt đạn vừa dứt con nghe tiếng la của người bị thương ở góc đồi đằng trước "Trời ơi tôi bị gãy cẳng", tiếp theo là hàng loạt đạn nổ túi bụi, nhánh cây gãy răng rắc. Lúc đó con đang bối rối, không biết phải làm gì, chỉ cầm bản đồ, địa bàn đứng chết trân, chừng quay lại thấy lính của mình đều xuống hầm núp cả, chỉ còn có mỗi thằng lính thượng đang run sợ, nó chui qua bụi mây định bỏ chạy, con ngoắc nó lại bảo xuống hầm ngay,mày chạy mày chết, ông già nằm gần đó cũng la theo : "Ông chuẩn úy còn đứng đây mà mày chạy đi đâu ?", lúc đó nó cuống quá vừa chạy vừa lết xuống hầm; và con đang ngồi sau 1 gò mối, xoay lại thấy thằng truyền tin ngồi dưới hầm ngoắc tay, con chạy lại nhảy xuống hầm với thằng truyền tin, lúc đó con mới hồi tỉnh trở lại. Con gọi máy về đại đội, máy báo cho biết là bị ngộ nhận, lúc đó tự nhiên tiếng súng im hẳn, mấy cây M79 bên này bắt đầu nạp đạn, con ngóc đầu dậy, thấy đằng góc đồi phía trước có 1 tảng đá lớn, biết ngay là chốt của trung đội 3, con chạy lên kêu "Bác Chinh ơi, bác Chinh". Lúc đó mấy ổng đều rút chốt lựu đạn cầm sẳn trên tay, ông Chinh nghe tiếng kêu quen quen, nhận ra con ngay, ông la lên : "Ối giời, ông chuẩn úy của mình kia mà !", chừng đó mấy ổng mới gắn lựu đạn trở lại, hai bên chạy đến bàn cãi nhoi trời đất, chỉ còn ông bị thương nằm dưới đất, ông này bị 1 viên M16 xuyên qua 2 bắp đùi, nhưng không trúng xương, viên đạn trổ ra 1 lỗ bằng miệng ly, lúc đầu thấy máu nhiều quá, con quýnh quáng cả lên, nhưng ông bị thương còn tỉnh lắm, ổng bảo con cởi dùm đôi giày, rồi cởi quần trận ra, lấy vớ băng lại cầm máu, làm xong tay chân con dính toàn là máu, những cục máu đọng lại trong ống quần giống như những cục huyết heo rất gớm, lát sau có y tá đến và khiêng võng ra bãi đáp tải thương.
Sau đó trung đội có lệnh di chuyển đổi chỗ cho trung đội 2 ở ngọn đồi nhỏ sát góc bãi đáp, đến bộ chỉ huy đại đội,con lấy bản đồ ra so lại bản đồ của đại đội, thấy mình đã đi lố quá 500m, con hỏi ông đại đội trưởng : như vậy tôi có bị phạt không? ổng bảo đừng lo sợ gì hết, không có gì đâu,chỉ buồn mỗi cái là bị lạc có 500m mà đã gặp việc không may, trong khi ổng đi lạc cả tuần lễ mà vẫn bình yên,ổng dặn con hễ ai có hỏi vụ này cứ nói là trung đội mình đi lục soát bị địch phục kích, như vậy người bị thương mới lãnh tiền được, rồi ổng làm báo cáo và gọi máy về tiểu đoàn, tối hôm đó con dẫn trung đội ra góc sân bay, thấy con còn hoang mang về cuộc chạm súng hồi chiều, thằng chuẩn úy Song còn gọi với theo, bảo con đừng sợ gì hết, chuyện rủi ro, không ai quở trách đâu. Lúc đó con cũng yên tâm phần nào, suốt đêm đó nằm ở chốt con trằn trọc mãi không ngủ được, vừa chợp mắt là thấy trước mắt mình toàn là máu đỏ ối ! và cứ như vậy giật mình mãi, ông Chinh nằm kế bên bảo là con mới thấy máu lần đầu chứ gặp nhiều rồi cũng quen, về đêm trong rừng rất vắng lặng, thỉnh thoảng có vài tiếng kêu rền đất của thú rừng, con vẫn thức nằm bất động, đêm đó con suy nghĩ lung lắm ! tư tưởng liên miên hết chuyện này đến chuyện nọ ! nghĩ cũng tội nghiệp cho thằng thượng hồi chiều vì quá sợ hãi mà chui vào bụi gai mây như con chuột ; mà không sợ hãi sao được ! khi đã lâm trận tức là khi tính mạng con người đã gần kề với sự chết chóc thì lúc đó sự sợ hãi của con người đến tột đỉnh ! và phần tâm trí bị tiêu tan đâu mất, thể xác con người lúc đó chỉ còn cử động như một con thú chỉ biết tìm lấy sự sống mà thôi. Nghĩ lại trách nhiệm của mình cũng khá nặng, chỉ sơ xẩy là thiệt hại bao nhiêu người, ở quân trường mình sơ sót điều gì bị la rầy nghe bực bội, nhưng không nguy hại gì cả, còn ngoài đơn vị không ai quở trách mình cả, nhưng trước mũi tên hòn đạn mà sơ hở một chút là lãnh đủ; chiến trường ở miền rừng núi khác hằn với miền đồng bằng, vì cây cối quá rậm nên cách khoảng 50 m người ta không nhìn thấy nhau, mà khi nhìn thấy bóng người thấp thoáng thì đã quá gần, các binh sĩ nổ súng liền chứ không đợi lệnh cấp chỉ huy như những cuộc tấn công, mà hôm đó toán lính ở trên đồi không có máy liên lạc nên mới xảy ra vụ ngộ nhận như vậy.
Sáng hôm sau Đại đội 2 có lệnh di chuyển đến bãi đáp khác, bãi đáp mà lúc trước con đổ quân xuống, ban chỉ huy Đại đội đóng tại bãi đáp, còn mỗi Trung đội đóng chốt trên các ngọn đồi xung quanh, trung đội con được lên ngọn đồi 949m và đóng tại đó, mỗi ngày ở Đại đội có gọi máy cho biết tọa độ ở vùng hoạt động, con phải để lại trên đồi 2- 3 người, còn lại bao nhiêu dẫn đến điểm họat động lục soát, ở ban chỉ huy đại đội liên lạc máy thường xuyên để theo dõi cuộc lục soát của mỗi trung đội. Có nhiều bữa cũng nhận lệnh đi lục soát, nhưng con làm biếng không đi đâu hết, chỉ nằm tại chỗ báo máy về đại đội những diễn tiến giống như đi thiệt, nhưng ở nhà vẫn sắp đặt địa bàn bản đồ định hướng sẳn sàng, nếu đại đội có hỏi hiện giờ anh di chuyển đến đâu, và cho biết điểm đứng hiện tại, thì cứ việc coi theo bản đồ mà nói, nếu đường di chuyển có con suối thì báo cáo là đến bờ suối v.v… Ở đại đội nó nằm một chỗ lật bản đồ điều khiển mình thì ở chốt mình cũng lật bản đồ đóng kịch trở lại.
Ở đồi 949m trung đội con đóng chốt cho đến ngày về dưỡng quân 10-12-73. Trong thời gian này mỗi ngày phải đi lục soát xung quanh khu đồi một lần, tối đến cho gài lựu đạn xung quanh và canh gác cẩn thận. Việc gài lựu đạn rất nguy hiểm, mấy hôm nay đại đội con bị thương dài dài vì toàn lính người kinh mới về đây chưa rành gài lựu đạn, nhiều ông rung tay quá làm bật kíp lựu đạn, nếu bình tĩnh đá văng quả lựu đạn thì không sao, nhưng mấy ổng cuống chân quá, không đá được chỉ còn chờ quả đạn nổ thôi.
Lúc đầu mấy ổng đòi canh gác lơ là, có nhiều ông vừa gác vừa ngủ, sáng ra ông trung đội phó phạt nặng những người đó ! nhưng con cản lại, lần đầu chỉ cảnh cáo thôi, sau đó con tập hợp trung đội lại, giải thích những công việc lợi hại của đơn vị. Trước nhất con để ông phó nói qua về tình hình quanh khu vực, xong rồi đến lượt con, trước nhất con dùng tình cảm để nói :"Trong trung đội chúng ta, toàn là người kinh với nhau cả, khác hẳn với người thượng, những người chỉ có thể sai khiến bằng bạo lực, còn chúng ta là những người có trình độ hiểu biết cao, tôi không muốn anh em làm việc một cách miễn cưỡng vì một áp lực nào, mà các anh em phải hợp tác với chúng tôi làm việc một cách vui vẻ trong sự ý thức và tinh thần tự giác của anh em, đối với tôi các anh em là những người đã từng trải nhiều kinh nghiệm, còn tôi như người em cần học hỏi nhiều ở anh em, tuy thế nhưng không phải là lý do để các anh em coi thường mệnh lệnh của chúng tôi, tuy tôi mới ra trường nhưng dầu sao tôi cũng đã mang cấp bậc này, như vậy trên vấn đề chỉ huy, chắc chắn tôi phải hơn anh em. Quan niệm của tôi không bao giờ ỷ vào lon lá để áp bức thuộc cấp của mình, tôi đồng ý về tuổi tác tôi kém xa các anh em, nhưng khi làm việc tôi vẫn trở về cương vị của tôi, trên phương diện chỉ huy tôi vẫn là người có quyền hạn đối với các anh em, tôi không muốn anh em bắt buộc tôi phải dùng uy quyền của mình đối với các anh em, nhưng nếu cần tôi vẫn sử dụng đến nó !
Một lần chót, tôi nhắc lại các anh em vấn đề canh gác, anh em canh gác là để bảo vệ mạng sống cho chính mình và bạn bè; nếu anh em lơ là trong việc canh gác, tức là anh em đã coi thường mạng sống của đơn vị … và ngay từ bây giờ hễ tôi hoặc ông phó bắt được người nào bỏ gác hoặc ngủ trong giờ gác tôi sẽ phạt đi kích một đêm, một mình mang 2 quả lựu đạn xuống suối, nếu ông nào không thi hành lệnh phạt của tôi, tôi sẽ báo máy đề nghị về đại đội, và hình phạt lúc đó không phải nhẹ nhàng như trước đâu !
Và tôi nhắc thêm một điều nữa là vấn đề săn bắn; chúng ta đang lúc hành quân, dĩ nhiên ai cũng đói khát mà thú rừng ở đây lại quá nhiều ! mà lệnh của tiểu đoàn không cho bắn những con lớn từ mèo rừng đến con mang, những con vật linh thiêng của rừng núi, các tiểu đoàn khác cũng vậy, tuyệt đối không được bắn những giống này, theo mấy ông thượng thì ăn thịt những con này rất xui xẻo, có lần tiểu đoàn bắn chết con mang, ăn nhậu xong là bị tấn công, thiệt hại gần hết ! Đó là những ý tưởng dị đoan của dân thiểu số, bây giờ chúng ta xét đến khía cạnh thực tế mà nói, khi ta bắn một phát súng tức nhiên mục tiêu của chúng ta bị lộ và địch sẽ theo hướng súng và tấn công chúng ta.
Riêng ở trung đội này, tôi tuyệt đối cấm các anh em săn bắn bất cứ con gì, từ chim chóc đến thú dữ,vì như vậy là thiệt hại an ninh cho chính chúng ta, và tôi cũng khó trả lời khi đại đội gọi máy hỏi lý do từng tiếng súng.
Qua những điều chúng tôi vừa trình bày, anh em có thắc mắc điều gì cứ việc thẳng thắn phát biểu, nếu ngoài phạm vi hiểu biết của tôi, tôi sẽ nhờ thượng cấp giải quyết.
Thưa Ba Ma, ra đơn vị rồi vấn đề nói chuyện trước nhiều người sao khó quá, nhiều binh sĩ già cả nhưng con phải kêu bằng anh em chứ không cách gì hơn được, và nói chuyện với thuộc cấp cũng mệt ở chỗ là phải thận trọng lời nói, chứ không ăn nói tự do bừa bãi như ở quân trường đựơc, vì ở quân trường tụi nó ngang tuổi và ngang cấp bậc nên nói sơ sót cũng không sao! Nhưng ở đơn vị người lính có nể phục cấp chỉ huy hay không là do lời nói đầu vậy! Trong buổi họp tiểu đoàn, ông tiểu đoàn phó có nói, các anh em ra trường có muốn làm cho lính nể thì rất khó, còn làm cho lính sợ thì rất dễ, đối với lính thượng mình nói như nước đổ lá môn, nhưng đối với người kinh vấn đề cư xử là quan trọng hơn cả! Đối với lính, mình nói phạt là phạt chứ không thể tha được vì nói mà không làm nó sẽ coi thường lời nói mình.
Từ hôm nắm trung đội đến nay con chưa phạt ai hết, mấy ổng cũng vui vẻ lắm, nhiều khi mấy ổng than cực than khổ, nhớ nhà nhớ vợ nhớ con, con cũng đành chịu chứ không biết nói sao hơn được, vì mình cũng chẳng khác gì mấy ổng, mà chẳng lẽ cấp chỉ huy lại than van với lính ! chỉ khi nào rảnh con liên lạc máy với mấy thằng cùng khóa tâm sự chút đỉnh thôi và tụi nó cũng than vãn như điên.
Ở trong rừng mãi buồn quá, suốt thời gian hành quân không thể gửi thư về nhà được, kể cả kỳ tiếp tế vì máy bay có đáp xuống được đâu mà chuyển thư, trên đỉnh đồi 949m nhìn về thành phố Kontum thấy nhớ nhà làm sao ấy, ở đây mỗi ngày chỉ viết 1 trang vừa làm nhật ký vừa làm thư, và cũng là lúc đang suy tư về gia đình đó !
Bây giờ chỉ có cách chờ ngày về dưỡng quân mới bỏ thư được, chắc sau gần 1 tháng trời bặt tin bặt tức ở nhà cũng trông thư con lắm, nhưng vì chiến cuộc con chẳng biết làm sao hơn, nếu thư liên lạc thường xuyên không được thì sau ngày hành quân con sẽ gửi về nhà một lá thư dài thế này để bù lại những ngày gửi thư lẻ tẻ.
Viết cho chị Hai
Chị Ngà !
Vừa nhận được thư chị tôi mừng không kể xiết, trong thư có nói lá trước 15-11-73 không có dán tem, bởi thế nên tôi không có nhận được.
Được biết gia đình đều khỏe mạnh tôi mừng lắm, còn Út đã biết bò rồi à ! "oa... oa" "cóp – hà" giỏi lắm phải không? Út biết ăn cơm chưa, hay còn đóp Guigoz, à Út bây giờ chắc không còn là Út Guigoz nữa nhỉ ! thương Út quá mà không biết sao về ẳm Út được ! Chắc ngày về Út đã biết đi học rồi, lúc đó nó không biết ông lính này đâu ! À còn thằng Trọng có được về phép không và có chịu được nổi cơm quân trường không? Bảo nó ráng học đi, được ở quân trường là sung sướng lắm đấy. Hôm 20-11-73 có tin thị xã Kontum bị pháo kích, nhưng lúc đó tôi đang hành quân trong rừng làm sao biết được, lúc đó chỉ nghe những tiếng hú đề-ba của hỏa tiển 122 ly và khi tới nơi thì VC chạy mất rồi chỉ còn lại 8 cái vỏ hỏa tiễn còn nóng hổi. Ở đây tối nào tôi cũng niệm phật, và có niệm chú Bạch Y nữa, còn vấn đề đi săn ở đây tôi tuyệt đối cấm ! Vấn đề ăn uống ở đây rất mắc mỏ, nhưng có khi nào ra phố đâu mà tốn tiền ! còn việc nước nôi ở đây rất phiền toái, tuy nước có thừa, nước rất trong nhưng rất độc, ở những nơi hiểm trở thế này,đòi hỏi con người phải thận trọng đủ thứ, từ miếng ăn, miếng uống đến đường đi nước bước v.v… Nhưng thường thường những lúc khó khăn gian khổ thế này, con người ta không bao giờ chết được, sự chết chỉ đến với con người trong những lúc sung sướng mà thôi !
Thành phố Kontum không giống như Sài gòn hay Trung Chánh, Bà Điểm gì cả, nó chỉ là một thị xã rất nhỏ trong khoảng ô vuông 2km cạnh, một dãy đất nằm dưới thung lũng xung quanh toàn là núi non trùng trùng điệp điệp.
Cả thành phố Kontum chỉ có một cái chợ ở giữa, chợ Kontum chỉ bằng chợ Bà Điểm thôi, tại đây chỉ có 3 con đường lớn tráng dầu cỡ như đường Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn, ngoài ra toàn là đường nhỏ rải đá hoặc đường mòn thôi, chỉ có lẩn quẩn trong phố là có người kinh còn xung quanh cách chợ khoảng 5 km toàn là những buông sóc người thượng, ra xa tí nữa thì toàn là rừng núi, những dấu vết của kỳ chiến cuộc Kontum kiêu hùng mà thây người nhiều quá, không thể nào mang ra hết được. Ở đây muốn về Pleiku chơi thì rất khó vì phải đi ngang qua đèo Chu-Pao ở đó có trạm kiểm soát rất gắt, và Chu-Pao cũng là một địa danh nổi tiếng hồi chiến cuộc, và bây giờ mới hiểu thấm thía chữ kiêu hùng của Kontum đó. Ở Pleiku lên Kontum thì rất dễ chỉ cần đi xe đò 2 giờ là tới nơi không có ai xét hỏi gì hết vì Kontum là chỗ cuối cùng của binh chủng địa phương.
Còn khí hậu ở tại thành phố Kontum tuy rất lạnh, nhưng dù sao cũng còn có xe cộ, và đông người nên cái lạnh còn chịu được,chứ ở trong rừng khí lạnh rất quáio đản, lúc giữa trưa mà chướng khí rợn người như đêm noel vậy ! còn về đêm chỉ trùm poncho lại ngủ thôi ít khi ra căn lều lắm ! Hiện giờ tôi hết tiền mà lương tháng 11 chưa có, chờ đến tháng 12 lãnh dồn. Ở đây tiền và đồ ăn cái gì cũng cần thiết nhưng ở Sài Gòn làm sao gởi ra được, tiền còn có thể gởi măn-đa chứ đồ ăn không bao giờ gởi ra được ! Thôi thì ở nhà đừng gởi gì ra hết vì tôi chỉ được về dưỡng quân có 10 ngày rồi lại vào rừng tiếp nên cũng không cần tiền làm gì, có thể 2 ngày phép về Kontum ăn cơm ở nhà ông trung sĩ Chinh được rồi.
Ở đây chỉ hy vọng về nhà được trong kỳ thi tú tài 2 , 01-06-74, còn vấn đề hình chụp chắc không có,chị lục lại trong tủ chỗ cuốn album xem có tấm phim nào không?
À, chị đã được miễn học Chí Linh rồi, cũng đáng mừng lắm đấy, vì chỉ có ở nhà là sướng nhất mà thôi!
Còn việc Lan đến nhà thăm 10-11-73 sao trễ quá nhỉ, phải sớm hơn 1 tuần là gặp tôi rồi; ối giời ! cô ta cũng chịu khó quá đấy. Ở Bình Dương mà lội mãi tới Sài Gòn tìm nhà để tặng quà, nghĩ cũng kiên nhẫn thiệt ! Ở quân trường cô ta thăm rất nhiều lần, nhưng toàn là lúc tôi về phép cả, chỉ gặp tôi một lần lúc gần mãn khóa thôi. Đối với gia đình Lan, tôi chỉ mến bác Mười và một người anh vì họ rất tử tế, còn đối với cô ta tôi chỉ coi như bạn, tôi chỉ gọi cô ta bằng tên chứ không bao giờ gọi bằng em như thằng Nguyên, vì có lần ở quân trường cô ta có gởi thư tỏ tình với thằng Nguyên rồi!
À, Dương Ngọc Nga ở 80 Âu Dương Lân cũng có gởi thư thăm tôi nữa hả ? Cô này tôi chỉ quen biết sơ sơ ở khu tiếp tân thôi mà cũng gởi thư từ lắm nhỉ ! Lúc ở Bình Dương tôi hay lại nhà cô Vân con của ông lái đò chơi, còn cô Nga thì làm chung chỗ với Vân, và cô ta giới thiệu Nga với tôi, chuyện đó tôi bỏ quên đến chừng sắp mãn khóa, 2 cô có vào thăm, lúc đầu tôi cũng không nhớ Nga là ai, chừng Vân nhắc lại tôi mới nhớ, lúc đó cô ta có gởi thư qua lại với tôi vài lần, tôi chỉ biết cô ta mồ côi cha, ở nhà bán tiệm vàng, và học tới lớp 3 thì nghỉ học đi làm, cô ta nói chuyện không được văn vẽ nhưng có vẽ thành thật lắm ! lúc đầu tôi không để ý nhưng sau tôi thấy cô ta dễ mến lắm đó!
Mấy cô gởi thư có gì quan trọng không? Còn tôi lúc này nãn quá không muốn gởi thư cho ai hết cả, chị viết thư trả lời giùm tôi nhé! Tôi chẳng biết tán tỉnh thế nào, nhưng vì mang tên là lính sữa Babilắc nên mấy cô mới làm quen đó!
Ở đây mấy ông binh lính hầu hết đều biết ăn nhậu,cờ bạc, chơi bời, nhưng riêng tôi, không bao giờ có chuyện đó, ăn nhậu đôi khi còn có chút đỉnh nhưng chơi bời tôi tuyệt đối không bao giờ có, vì tôi ghê tởm những chứng bệnh này đến tận xương tủy lận, ở trung đội có nhiều ông mắc bệnh lậu rất thảm thương, nhưng lúc về phép vẫn chứng nào tật nấy, mà mình cũng không cách nào ngăn cản họ được!
Đến ngày 10-11-72 lại có chuyến tiếp tế từ hạ sĩ quan trở lên chỉ tiếp tế gạo thôi chứ không có đồ ăn, các binh lính có đồ ăn nhưng rất ít, mỗi người chỉ có 1 miếng thịt heo chỉ vài trăm gram thôi, nói là thịt heo chứ thật ra chỉ là da và mỡ thôi, tôi xin được 1 miếng mỡ heo bằng lóng tay mà ăn thấy ngon không kể xiết vì cả tháng trời chưa khi nào được ăn một miếng đồ tươi như vậy.
Sau đó có lệnh di chuyển đến vị trí khác, 1 ngọn đồi cách đó khoảng 5km đường chim bay, nhưng đi đường rừng phải mất chừng 1 ngày trời mới tới. Lúc đầu đi bằng phương giác rất chính xác nhưng phải băng rừng mệt quá, tôi phải cho lính đi theo đường mòn, đi đường mòn thấy khỏe thiệt, vì không phải chặt cây cối gì hết, nhưng đi loanh quanh rất xa, mà trên bản đồ lại không có đường mòn! Như vậy đi đến đâu chỉ báo cáo cảnh vật xung quanh về đại đội, để đại đội ấn định vị trí đóng quân, đến một lúc trung đội tôi di chuyển đến một ngọn đồi trọc, trên đó có để 3 cây M72 mới toanh, tôi báo cáo về đại đội là đã đến 1 ngọn đồi và những gì có trên đó, thì thằng điều khiển máy ở đại đội lại ấm ớ làm sao, nó không biết phải vị trí đóng quân ở đó không, nó bảo cứ tiếp tục đi theo đường mòn, đến nửa giờ sau ông đại đội trưởng đến điều khiển máy, tôi nói là trung đội tôi đã qua khỏi ngọn đồi đó hơn nửa giờ rồi, ông ta hoảng hồn nói cho trở lại ngọn đồi đó ngay vì đã đi quá mấy cây số rồi! Lúc đó vừa mệt vừa sùng nhưng cấp trên sơ suất như vậy mình biết khiếu nại thế nào! Thôi đành phải trở về vậy!, Khi đến nơi rồi ai nấy đều mệt rã rượi, cũng chỉ vì một câu nói sơ suất ở trên mà cấp dưới phải chịu hậu quả như vậy!
Sống trong rừng rú sao cuộc sống tẻ nhạt quá ! Sự lạnh lẽo ở chốn hoang thiêng làm cho con người ta già đi thì phải, thật vậy! có lần tôi nhìn vào gương thấy mình đã thay đổi hẳn hồi đó, mặt mày già dặn, râu tóc xồm xoàm như những người đứng tuổi vậy!
Hành quân cả tháng trời nhưng thật ra tôi chỉ được tắm rửa có mấy lần! mặc dầu có biết bao nước trong suối mát, nhưng từ đỉnh núi đóng quân đến con suối dưới chân núi xa khoảng 1 km đường dốc đứng mà phải đi bằng 2 chân lẫn 2 tay mới mong khỏi bị lăn xuống núi, đã vậy có phải là yên ổn đâu, ở suối là nơi dễ bị phục kích nhất. Trong cuộc hành quân này tiểu đoàn tôi bị chết cũng khá nhiều chỉ vì xuống suối múc nước mà thôi.
Còn vấn đề lương bổng ở đây không thể làm đơn mượn trước được, tôi phải đành chịu cực 2 tháng đầu vậy, và cuối tháng 12 lãnh lương 2 tháng dồn cũng khoảng hơn 20 ngàn vì còn ăn lương trung sĩ khoảng 13 ngàn 1tháng, nhưng trừ tiền cơm cũng khá nhiều, hơn nữa địa phương quân không có tiền phụ cấp đắc đỏ hay tiền hành quân gì hết vì nó không có quyền lợi như các sư đoàn, và kỳ lương này tôi cần mua sắm nhiều thứ nên không thể gởi măn-đa về được đâu, thôi để chờ kỳ lãnh lắp-ben vậy!
Hiện giờ tôi vẫn mạnh khỏe và vẫn vui vẻ trên đường hành quân, tuy gian lao nhưng không có gì nguy hiểm cả, tình hình Kontum lúc này cũng lắng dịu rồi ! như vậy phần tôi coi như tạm yên, ước mong một ngày nào đó sẽ được về sum họp với gia đình như thường đêm trong giấc ngủ !
Đến đây tôi tạm dừng bút, chúc Ba Má và cả gia đình được bình yên ! còn Út lúc nào cũng mạnh giỏi và nghịch ngợm nhiều thật nhiều cho mau lớn, thương Út nhiều lắm đó !
Sau cùng tôi có lời chúc gia đình Bác Ba cũng như những người thân thích với gia đình mình được nhiều may mắn. Nhờ chị chuyển lời chúc Lan, Nga, Tuấn v.v… những người bạn thân tuy xa nhau nhưng tâm hồn vẫn còn sum họp với kẻ ly hương…
Con cua ba ma.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
1 comment:
Tôi là em gái của anh Trần Văn Quí , nhưng không phải em Trần Thị Thọ , tôi là Trần Thị Thông , vì gia đình tôi có 12 anh em , ........
Nhân lúc vào trang web của trường bộ binh Thủ Đức tôi đọc được dòng tin nhắn của anh , thật bất ngờ quá anh à , tôi đã đọc hết các bài viết về anh QUÍ của tôi và các hình ảnh mà em Thọ đã gửi lên trang web hồi năm 2005 , ....tôi rất biết ơn những người đã ngã xuống cho quê hương VN , trong đó có cả người anh mà tôi hằng yêu mến .
Ngày anh tôi mất tôi chưa tròn 12 tuỏi , chỉ còn 2 ngày nửa là sinh nhật của tôi ( tôi sinh ngày 08 tháng 02 còn anh QUÍ mất ngày 06 tháng 02) , Tôi có rất nhiều kỷ niệm với người anh trai lớn , anh QUÍ ngày xưa lúc chưa đi nhập ngũ thì thường dạy tôi học , nhất là môn TOÁN , vì vậy tôi học rất giỏi môn toán , anh thường bảo tôi " hãy ráng học để sau này làm cô giáo nhe , nhà mình nghèo lắm hãy cố gắng lên " và bây giờ tôi đã thực hiện được lời khuyên của anh 22 năm rồi , tôi đã là cô giáo dạy môn HÓA HỌC với tuổi nghề là 22 năm , ngày anh lên đường nhập ngũ mùa hè 1972 lúc đó tôi được 10 tuổi , cái tuổi còn con nít nên chẳng hiểu gì về chiến tranh chỉ biết mỗi ngày nghe tiếng đạn pháo quanh mình như một âm thanh quen thuộc , anh chuẩn bị đi và hỏi tôi thích đồ chơi gì anh sẽ mua cho , tôi trả lời ngay " thích làm con voi bằng đất sét " , anh tìm đâu đó quanh nhà được cục đất sét nhỏ và nặn cho tôi con voi con rất xinh và bảo " ở nhà nhớ ăn cho mập lên như con voi con nhe " vì lúc đó tôi chỉ có 28 kg thôi à , sau đó anh gia nhập quân đội , rồi học ở Thủ Đức , mỗi tuần anh về phép 1 lần , tôi còn nhớ trong lần về phép cuối cùng trước khi anh ra KONTUM , anh có nói chuyện với tôi , và tôi hỏi anh "sao ngày sinh nhật của bạn em thì gia đình có tổ chức tiệc mời bạn , còn nhà mình thì chẳng có sinh nhật ? , " Anh nhìn tôi và bảo được rồi để anh đi lính và để dành tiền khi nào về phép sẽ làm sinh nhật cho tôi , lúc đó tôi rất vui , nhưng vẫn không hình dung được ngày sinh nhật của mình sẽ như thế nào ......Năm 1973 chiến sự xãy ra rất ác liệt , BA Mẹ tôi mỗi ngày theo dõi tin tức chiến trường trên các báo đài và rất lo lắng , tôi còn rất bé , lúc đó đang học lớp 6 mà , chỉ biết nhớ anh mình quá thôi à , và mong anh mau về phép , đã mấy tháng trước gia đình không nhận được thư anh gửi về ai cũng lo lắng (đó là khoảng thời gian anh hành quân trong rừng và viết lá thư dài cuối cùng ) , thông thường mỗi lần gia đình nhận thư anh QUÍ thì tôi là người có nhiệm vụ đọc lá thư cho BA MẸ và BÀ NGOẠI nghe , TếT năm 1974 con voi đất của tôi sao bổng dưng bị gãy cái đầu , tôi buồn lắm và mong anh QUÍ về để nặn lại con voi khác cho tôi , tôi đã thầm mong và đếm từng ngày cho đến tháng 2 ,nhưng .....anh vĩnh viễn không về nửa , anh đã nằm lại đất rừng KONTUM vào ngày 6 tháng 2 năm 1974 , anh đã không giữ được lời hứa với người em gái ........và mãi mãi tôi vẫn không có ngày sinh nhật vì ngày đó cận kề ngày đám giỗ của anh QUÍ mà ..........
Đám tang của anh chỉ có gia đình và vài người bà con , không có một người bạn nào cả , vì lúc đó các bạn của anh cũng ra chiến trường hết rồi làm sao liên lạc được , ở nghĩa trang quân đội Gò Vấp lúc đó cũng có mấy cái đám tang cùng lúc , đám tang của anh QUÍ tôi chỉ được dự vào ngày động quan , vì quàn linh cữu anh tại nghĩa trang chứ không đem về nhà, các em tôi thì còn bé lắm nên BA MẸ không cho theo , chỉ có tôi và các anh chị mới được đi dự , tôi ngỡ ngàng khi Mẹ tôi cầm miếng vải trắng cột lên trán tôi , tôi thấy xung quanh các anh chị tôi cũng như thế , mẹ tôi thì khóc nhiều lắm , tôi thì không khóc , ngồi trên xe tôi lúc lắc cái đầu đung đưa nghịch miếng vải tang ....., khi nhìn thấy chiếc quan tài của anh QUÍ và hình của anh để trước áo quan , chiếc lá cờ phủ bên trên , tôi chợt hiểu ........và tôi đã khóc ........tôi cầm ảnh của anh đi đầu tiên ra huyệt mộ ....kế đến là anh trai tôi cầm bát hương ........sau lưng tôi nhiều người đang sụt sùi khóc ...........khiêng quan tài của anh có một số anh lính (tôi không rõ bao nhiêu người ) vì lúc đó tôi đang khóc .........anh đã nằm yên ở đó Nghĩa trang quân đội Gò Vấp .....mộ phần của anh chỉ là mộ đất vì chưa kịp xây hay tô xi măng ........
Tháng 4 năm 1975 Sài gòn thất thủ .....................BA tôi vì sợ rắc rối đến cả nhà nên phải cất tấm hình của anh trên bàn thờ vào trong tủ ........từ đó bàn thờ của anh chỉ ở trong lòng mọi người chứ không được nhìn hằng ngày .......từ đó tôi hiểu thế nào là " SỰ MẤT MÁT "
Năm 1984 người ta cải tạo xóa bỏ nghĩa trang để xây công trình gì đó nên thông báo các thân nhân lên lấy hài cốt , lúc đó tôi đang học năm thứ 2 Đại Học Sư Phạm , các anh trai tôi lên cãi mả và đem "hủ tro cốt " về chùa Vĩnh Nghiêm , sau này lại dời hủ cốt về chùa Giác Ngộ quận 10 , và mãi đến lúc tôi lớn lên đi làm và lập gia đình thì xã hội bớt khắc khe nên các anh tôi lại đem di ảnh của anh QUÍ đặt lên bàn thờ , và phải thay vào tấm ảnh là chiếc áo sơ-mi chứ không phải áo sĩ quan bằng cách ghép hình kỹ thuật số ........
Anh đã hy sinh , ............
Vào năm 2005 tôi và em gái tôi (em THỌ ) bổng nằm mơ thấy anh QUÍ hoài , anh còn cho em gái tôi thấy rằng "anh buồn vì không có bạn "...... tôi và em tôi nghĩ cách đưa bức thư của anh lên mạng để anh được có bạn có bè ........bây giờ anh QUÍ đã được toại nguyện , xin cảm ơn tất cả các anh chị là bạn bè của anh tôi đã giúp đở cho hương hồn anh tôi không còn cô đơn lạc lỏng ở thế giới bên kia , xin cám ơn tất cả ..........
Em gái của anh QUÍ
Trần Thị Thông
Post a Comment