ĐĐ726 K4A72 SQTB
ĐĐ725 KHÓA 4A72 SQTB
Quán Nắng Mới có nhiều ưu thế để trở thành đất nhà của dân Vạn Hạnh, trước nhất vì gần gũi, kế đến là khung cảnh đẹp, nhạc chọn lọc và cuối cùng, có lẽ quan trọng nhất là sự thấp thoáng của những bóng hồng, có vẻ tha thước, có vẻ chữ nghĩa. Chừng đó là quá đủ, quá đạt để phe ta tụ lại: Các anh chị em thuộc khối Văn Thể Mỹ của thầy Phạm Thế Mỹ tấp vào nói chuyện văn nghệ; nhóm làm thơ trẻ Nguyễn Lương Vỵ, Võ Chân Cửu -lúc đó đang lên và đang chiếm đều đặng nhiều cột thơ trên báo Khởi Hành - ngồi đồng từ sáng đến tối để...làm thơ; những “chuyên viên xuống đường trong sáng” chụm đầu lại để bàn kế hoạch; những “chuyên viên lợi dụng xuống đường” cũng chụm đầu lại để bàn quỷ kế và đông hơn cả, ấm áp hơn cả là những nhóm hai người, một tóc dài, một tóc ngắn chờ vào lớp, chờ tan trường và chờ nhau ở Nắng Mới.
Đại học Vạn Hạnh có một phân khoa mà bên Văn khoa không có: Phân khoa báo chí. Vạn hạnh còn có một lợi thế như là một sự ưu đãi đặc biệt vì nhu cầu giáo dục là phân khoa sư phạm thi tuyển và được tăng một tuổi theo luật động viên. Vì lẽ đó anh em đến với Vạn Hạnh đông lắm; không khí ở Vạn Hạnh hào hứng và sôi nổi lắm. Mỗi lần có đợt tranh đấu, xuống đường, ngày Vạn Hạnh chạo rạo, đêm Quảng Đức không ngủ, sáng Nắng Mới không có chỗ ngồi. Vạn Hạnh như một lò lửa, một điểm nóng, một trung tâm. Tiếc thay đàng sau những nhiệt tình trong sáng; những lý tưởng vô cầu là những bóng đen rình rập, những nanh vuốt hờm sẵn.
Hình như Nắng Mới đã sống với Vạn Hạnh, sống theo Vạn Hạnh cho đến ngày cuối cùng. Nó chứng kiến cảnh Nguyễn Tổng cởi áo thầy tu, đi tiếp thu một trường Trung học; Nguyễn Lương Vỵ bỏ bộ mặt hiền thi sĩ đóng vai mặt lạnh ở phòng giáo dục Phú Nhận; Vỏ Như Lanh xông xáo từ Thành Đoàn qua báo Tuổi Trẻ; Trần Bá Phương làm chúa một trại giam, gọi đẹp đẽ là hiệu trưởng trường giáo dục lao động và còn nhiều lắm, kẻ thù mai phục và bạn bè bạc bẽo trở cờ; tất cả thành một bầy kên kên nhởn nhơ trên nỗi khổ của anh em, nỗi đau của cả dân tộc.
Ngày tôi về lại Sài Gòn sau nhiều năm phải xa, cà-phê Nắng Mới không còn; Đại học Vạn Hạnh biến thành một cư xá sinh viên, áo thun quần lót treo la liệt từ trên xuống dưới, quang cảnh vừa đìu hiu vừa bát nháo nhìn thấy mà đứt ruột. Nghe nói núi sách của thư viên bị lấy hết, đốt sạch. Thầy Minh Châu dời lên một Phật học viên nhỏ trên đường Võ Di Nguy gần Trung Tâm Tiếp Huyết; thầy Quảng Độ bị quảng thúc đâu đó tuốt ngoài Bắc; thi sĩ, thầy Bùi Giáng lang thang ngạo đời ở đầu phố cuối chợ; không lâu sau đó Đại Đức Tuệ Sĩ, Trí Siêu lần lược bị bắt. Vạn Hạnh không còn gì, thật sự không còn gì. Những con người cũ tứ tán muôn phương. Cái nơi chốn đầy sức sống và niềm tin ngày nào giờ tiêu điều buồn bã như giòng kinh nước đen uể oải dưới chân cầu Trương Minh Giảng.
Đến với chị Chi có cái thú vị là được hưởng một không khí thân mật, thoải mái như đang ngồi trong nhà của mình; điều thích nữa là không bao giờ phải bận tâm đến chuyện tiền bạc gì cả; muốn đến lúc nào cứ việc đến, không có tiền thì chỉ cần ngồi cười cười, chị Chi sẽ nói giùm cho bạn điều bạn khó nói: “cuối tháng chưa lãnh măng đa phải không? Uống gì nói chị lấy”. Chưa hết đâu, khi đã thân, đã thành “bạn của chị Chi”, hai lần mỗi năm vào khoảng trước Giáng Sinh và hăm ba ông táo về trời bạn sẽ được chị Chi kêu “đến chị chơi”. Đến chị chơi có nghĩa là đến uống trà mà không phải trả tiền và nếu gặp lúc chị Chi vui và khoẻ, “chơi” còn có nghĩa là có bánh bèo tôm chấy hay bánh hỏi thịt nướng kèm thêm nữa.
Khách của chị Chi không đông, giá nước ở chị Chi không đắc vì vậy chắc chắn chị Chi không sống bằng “cữa tiệm”, chị bán cho vui, bán mà như kêu anh em góp chút tiền cho chị để chị nấu giùm chút nước uống cho vui. Mà quả tình ở chỗ chị Chi vui thật, vui vì những đậm đà tình nghĩa.
Hồi đó chị Chi đã khá lớn tuổi, bây giờ sợ chị đã lìa xa chúng ta hoặc nếu không thì cũng không còn đủ sức để nấu nước giùm cho ai được nữa. Quán chị Chi chắc không còn nhưng dù sao cũng xin cảm ơn chị và xin đại diện cho những anh chị em đã từng ngồi quán chị Chi bày tỏ lòng tiếc nhớ đến chị và đến những ngày khó quên cu õ- Tôi nghĩ anh chị em cũng không hẹp lòng gì mà không cho tôi nói lời đại diện này - Cuộc đời chúng ta đẹp vì những niềm vui nho nhỏ không tên; Sài Gòn của chúng ta đáng nhớ vì những dễ thương nho nhỏ không tên. Chị Chi, chị đã cho chúng tôi những niềm vui ấy; chị đã góp cho Sài Gòn một phần của cái dễ thương ấy. Cảm ơn chị.
Những năm cuối thập niên 60 Sài Gòn có mở thêm nhiều quán cà-phê mới, những quán sau này thường được trang hoàng công phu hơn, có hệ thống âm thanh tối tân hơn và nhất là quán nào cũng chọn một cái tên rất đẹp, phần lớn là dựa theo tên những bản nhạc nổi tiếng: Café Hạ Trắng, Lệ Đá, Diễm Xưa, Hương Xưa, Hoàng Thị, Biển Nhớ, Hoài Cảm, Da Vàng...Tuy nhiên, ở một con đường nhỏ - Hình như là Đào Duy Từ - gần sân vận động Cộng Hoà có một quán cà-phê không theo khuôn mẫu này, nó mang một cái tên rất lạ: Quán Đa La. Đa La là Đà Lạt, quán của chị em cô sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, có lẽ vừa từ giả thác Cam Ly, hồ Than Thở để về Sài Gòn học năm cuối tại nhà sách Xuân Thu hay sao đó, mở ra. Trường kinh doanh quả là khéo đào tạo ra những môn sinh giỏi kinh doanh: Tin mấy cô sinh viên mở quán thật tình là không được chính thức loan báo ở đâu cả; tuy nhiên, cứ úp úp mở mở như vậy mà tốt, nó được phóng lớn, lang xa, tạo ấn tượng mạnh và quán được chờ đón với những trân trọng đặc biệt, những náo nức đặc biệt. Những cô chủ chắc có máu văn nghệ, đã cố gắng mang cái hơi hướng của núi rừng Đà Lạt về Sài Gòn: Những giò lan, nhưng giỏ gùi sơn nữ, những cung tên chiến sĩ đã tạo cho quán một dáng vẻ ngồ ngộ, dễ thương; rồi những đôn ghế, những thớt bàn được cưa từ những bi cây cổ thụ u nần, mang vẻ rừng núi, cổ sơ đã giúp cho Đa La mang sắc thái rất ...Đa La.
Ngày khai trương, Đa La đã mời được Linh Mục Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt đến dự và đã chuẩn bị một chương trình văn nghệ hết sức rôm rả với những bản nhạc “nhức nhối” của Lê Uyên Phương, Nguyễn Trung Cang, Lê Hữu Hà... Chừng đó là đủ chết người ta rồi, dân Đại Học Xá kéo qua, dưới Sư Phạm, Khoa Học lên; Y Khoa; Phú Thọ xuống; cả Petrus Ký, Chu Văn An nữa là đủ bộ, quanh quanh khu Ngả Sáu chấm Đa La và dồn tới. Những ngày đó Đa La đông vui lắm, nó trở thành một chốn tụ tập hết sức văn nghệ; nó đã chứng kiến sự nở hoa của nhiều mối tình và cũng chia xẻ sự héo tàn của nhiều mối tình khác, nó có thể tiếp tục buồn vui với những người bạn trẻ như thế nếu như đất nước không có những đột biến to tát: Biến cố Tết Mậu Thân với cảnh nhà cháy người chết ngay tại thủ đô Sài Gòn; rồi tổng công kích đợt hai; rồi tổng động viên lần thứ nhất năm 1968; quân sự học đường; tổng động viên lần thứ hai 1972; tất cả những điều đó đã làm thay đổi rất nhiều nhịp sống chung và tát động sâu xa đến suy nghĩ và hành động của từng con người. Đa La vắng dần những người khách cũ, lưa thưa có thêm những người mới với dáng vẻ ủ dột trầm ngâm hơn, lác đác những bộ đồ vàng quân sự học đường, những bộ đồ phép Thủ Đức, những bộ đồ lính thứ thiệt của nhiều quân binh chủng vội đến, vội đi. Đa La lần lược nhận được tin tức về nhiều người bạn cũ không bao giờ còn trở về; Đa La tiếp tục có thêm nhiều buổi cà-phê cuối cùng để tiễn những người đến lược ra đi. Đa La không vui và những người bạn của Đa La cũng không vui bỡi vì cả đất nước không vui, cả dân tộc đang muộn phiền.
Đa La còn đến lúc nào? Đóng cữa bao giờ tôi không biết, có điều là đã có thời Đa La giống như một tri kỷ của nhiều người, nó cũng buồn, cũng vui, cũng hy vọng, cũng rã rời, cũng phấn chấn, cũng mệt mỏi, cũng khóc, cũng cười, cũng muốn ngoan ngoản xây dựng, cũng thích tung trời phá phách, cũng tỉnh, cũng điên, nói chung là nó chung chịu với bạn bè những tháng ngày nhiều chuyện, dễ thương lắm và đáng nhớ lắm, một chút Sài Gòn.