Wednesday, March 11, 2009

NHỮNG NGÀY MỘNG DU




Đêm tưởng chừng như vô tận rồi cũng trôi qua. Thức giấc mà cứ mong trở lại trong mơ, vì hiện thực lại kéo tinh thần xuống tới mức choáng váng khi gượng dậy. Có tiếng chuỵên trò từ nhà sau vọng lên. Hình như Trung Sĩ Trần Sự đang nói về tôi.

- Ổng độc thân. Không có ai ngoài này. Thấy cũng tội. Hôm qua cứ sợ ổng tự tử.

Câu nói làm tôi lại nằm xuống sofa, nghĩ ngợi về lúc ngồi chết trân trên xà lan khi nghe nói Đà Nẵng đã bị địch tràn vào trưa hôm qua. Thật tình thì tôi không có chút suy nghĩ nào trong đầu, ngay cả lúc chằm chằm nhìn vào nòng súng. Chỉ là phút bàng hoàng dẫn đến phản xạ của vô thức, không hơn không kém.

Còn bây giờ là sự bất an, là một cay đắng rất phập phồng. Sợ. Lo. Buồn. Chán nản.Và tuyệt vọng. Đủ thứ tình cảm tiêu cực đang hành hạ tôi một cách vô tội vạ. Đủ mọi đường toan tính. Đủ mọi hình thức hy vọng để rồi lại quay về với sự thật phũ phàng là tôi đang bí rị. Một con cá nằm trên thớt không hơn không kém.

Có bước chân từ nhà sau lên tới phòng khách. Tôi nhắm mắt nằm im. Bước chân dừng lại một vài giây nơi bàn kiếng, có lẽ là để xem coi tôi còn ngủ hay đã thức, rồi nhè nhẹ tiến ra cửa. Liền sau đó là tiếng dép của người thứ nhì, cũng ra phía cửa chính.

- Bên ngoài đông lắm. Giọng của chị Sự thì thào.

- Mở hé cửa ra coi ai đi ngoài đó. Là tiếng của người chị cả anh Sự.

Có tiếng cánh cửa gổ rụt rè nhẹ mở, rồi tiếng của chị Sự khẽ reo lên.

- Đông lắm chị ơi. Xem kìa.

Đến lúc này mới nghe văng vẳng tiếng loa phóng thanh kêu gọi vãn hồi trật tự kèm theo những bản nhạc mang âm hưởng của Trung Hoa từ ngoài vọng đường vọng vào, tiếng được, tiếng mất.

Tôi tò mò nên xoay lưng cho có tiếng động. Hai người đàn bà khép cửa, quay trở vào phòng khách. Khi thấy tôi ngồi dậy, chị Sự lên tiếng trước .

- Thiếu úy …

- Thiếu úy gì nữa chị Sự ơi. Tôi lật đật chận lời. Gọi tên, hay gọi là em cũng được. Tôi nhỏ tuổi hơn anh chị mà.

- Thôi gọi là cậu Huy, hay chú Huy nha. Chị cả của anh Sự góp lời .

Tôi dạ rồi xin phép xuống nhà sau. Anh Sự đang cho con ăn sáng dưới bếp, nét mặt bơ phờ và xanh xao. Chúng tôi nhìn nhau, không có lời nào. Hai đứa bé hồn nhiên ngồi tại bàn, vòi vĩnh một thiếu niên mà anh Sự gọi là Út. Hình như bộ đồ mà bác Cả lấy cho tôi mặc là của em này.

Tôi không hỏi, và anh Sự cũng không nói gì thêm về gia cảnh của bà chị. Chúng tôi pha cà phê rồi lên nhà trên ngồi trầm ngâm. Lại không biết phải nói với nhau chuyện gì vì mọi thứ đều đã kể cho nhau nghe suốt đêm qua. Sau cùng thì Anh Sự lên tiếng trước.

- Hay là ông theo tụi này về Duy Xuyên đi. Nói quở ông đừng giận. Lỡ như chỗ này thành tụ trái độn thì mình còn có đất sinh sống để chờ thời.

Tôi im lặng vì không biết phải nói sao. Tình thế thì mù mờ. Trong đầu chỉ một niềm lo lắng suốt từ cả tuần qua nên đã cùn mằn mọi suy nghĩ. Nghĩ tới nghĩ lui thì cũng chỉ dẫn đến một kết luận đáng buồn: mình đã không làm được gì khác hơn là phải chờ đợi một tương lai do kẻ khác áp đặt. May là trong giờ phút này còn nhận được sự quan tâm và tình nghĩa của một người chung đơn vị nên dù bất an cũng cảm thấy ấm lòng.

Sau bữa ăn trưa thì tôi quyết định từ giả anh chị Sự và người chị cả tốt bụng, và cho biết sẽ đi dò hỏi tin tức về tình hình chung rồi mới tính tới chuyện làm gì, hay ở đâu. Anh Sự cứ bịn rịn mãi làm tôi cũng bùi ngùi. Ai cũng sợ tôi tuổi trẻ nóng nảy, dễ làm liều nên nhắc đi nhắc lại hoài lời khuyên về Duy Xuyên tá túc, vừa không sợ lộ tông tích lại vừa có chỗ dung thân rồi tính tiếp. Nhưng lòng tôi đã định và không muốn làm bận bịu thêm cho vợ chồng anh Sự, nên dằn lòng nói câu từ giã. Anh Sự tiễn tôi ra cửa, bắt tay nhau mà lòng như bật khóc. Tôi cảm thấy bùi ngùi, lòng rưng rưng như vừa từ giả chính gia đình mình.Vài nụ cười gượng vui, thêm một hai câu cảm ơn là tôi vội vã đi ngay, không dám quay đầu nhìn lại.

Ngã ba Cây Lan ! Góc tam giác chia hai ngả dẫn vào phố chính của Đà Nẵng hôm nay vẫn đầy nghẹt người và xe. Xe của bộ đội chuyển quân, và xe của dân chúng “ hồi cư ” sau một ngày bỏ đi không kết quả. Vẫn là những dáo dát, thất thần, chằm chằm, dò xét. Nhưng hôm nay, trong ánh mắt đã pha lẫn chút tò mò từ cả hai bên: người cũ và chủ mới.

Kẻ ngẩng đầu nhìn lên cao ốc, người quay ngang, bước ngược, để nhìn cho trọn sự bề thế của những ngôi nhà nhiều tầng. Họ, những chủ nhân mới của phố phường Đà Nẵng, đều có vẻ bỡ ngỡ, pha lẫn chút dò xét mặc dù miệng tươi cười, tay vẩy vẩy với những kẻ mới hôm qua còn là dân của “ Ngụy ”. Trong ánh mắt của người dân cũng không dấu niềm lo lắng. Những nụ cười chào đón có lẽ chỉ để khỏa lấp nỗi ưu tư hay ít ra cũng đánh lừa tâm trạng phật phồng nếu không muốn nói là sợ hãi. Cứ như thế mà đo lường nhau. Cứ như thế mà hội nhập vào nhịp sinh hoạt vô hồn của thành phố trong ngày đầu thay đổi chế độ.

Đà Nẵng vừa thay áo mới. Lịch sử đã sang trang vào một ngày xám trời, lạnh lẽo. Làn sóng đỏ đang phủ tràn lên thành phố nửa triệu người, không kể những ai ghé qua để tạm lánh nạn. Cờ bên trên, người phía dưới. Xôn xao! Chỉ mới một ngày thôi mà cờ treo ngợp trời, trên các tầng lầu, trên khung cửa sổ và cả trên mọi thứ xe cộ. Cờ đỏ phất phới, băng đỏ cũng ngập đường. Những người “ quyết tử “ của hôm qua vẫn một thái độ vênh váo trên các xe Jeep, xe Lam ba bánh và cả xe dân sự. Họ tập trung từng nhóm tại các giao điểm, các trục lộ chính, để giữ gìn an ninh, dàn xếp trật tự hay dùng xe chạy lòng vòng, tay loa, tay súng, cứ vậy mà phát thanh mọi thứ tin tức trên đời.

Những con đường tôi thẫn thờ đưa chân qua đều mang một hình thái sinh hoạt, một âm thanh hỗn độn, vô hồn dù đầy màu sắc, màu của rừng cờ và rừng người. Từ Hùng Vương, Nguyễn Hoàng, Quang Trung, Duy Tân, về tới Trần Cao Vân, nơi nào cũng hối hả như nhau, dồn dập một cách máy móc. Nhưng bên cạnh đó còn những sôi nổi và âu lo khác. Trong dòng người xuôi ngược trên đường có cha, mẹ, anh, em, vợ, chồng, con cái của những ai còn thất lạc nhau. Họ đi tìm nhau giữa những não nề, thất vọng, chao đảo, mù mờ lẫn đau khổ tột cùng, vì có tin đồn rất nhiều người bỏ mạng trên biển đang được vớt lên và đưa về các bệnh viện trong thành phố để thân nhân nhận diện.

Trong số những người khốn khổ đó có gia đình của Trần Hiền, một đồng môn thời trọ học trên ĐàLạt, làm sĩ quan tiếp liệu cho Liên Đoàn 14 BĐQ. Chỉ còn bé Vi và bà mẹ ở nhà. Mọi người khác đều tất tả ngược xuôi đâu đó để dò la tin tức của người bạn gốc Tiểu Đoàn 21 BĐQ đã không có tin tức từ đêm 28-03.

Tôi ngồi an ủi mẹ của Hiền chưa bao lâu thì vợ chồng Thuận, em kế của Hiền về đến.

- Không có tin tức gì bên Duy Tân. Ba và thằng Nam đang qua Bệnh Viện Việt Đức. Thuận nói sau tiếng thở dài. Con và anh Ngàn về nghỉ một chút rồi qua Sơn Trà và Non Nước dò la tin tức. Nghe nói bên đó cũng có xác người trôi vào. Nhiều lắm.

Tôi dành phần qua bán đảo tìm kiếm thì Ngàn chận ngay lại.

- Không được đâu. Còn lộn xộn lắm anh Huy ơi. Nghe nói là sáng nay có một nhóm Thủy Quân Lục Chiến từ Hà Nha về tới Chợ Cồn là đụng độ với bộ đội vì không chịu bỏ súng. Hai bên đều có người chết và tụi nó đang đi tìm tàn quân, nhất là sĩ quan như anh đó. Để tụi em đi được rồi.

Đang nói chuyện thì có vài người bước vào. Là đám băng đỏ. Thấy bà mẹ và cô em của Trần Hiền còn đang chảy nước mắt thì họ có vẻ hiểu chuyện. Ngàn đứng dậy tiếp họ và tiễn ra cửa. Một thanh niên còn quay lại nói chung chung.

- Khi nào anh Hiền về nhà thì nhớ nói ảnh trình diện và nộp vũ khí cho cách mạng.

Lúc trở vào nhà thì mặt Ngàn hầm hầm.

- Không ngờ thằng Sinh ở xóm sau lại là dân nằm vùng. Tụi nó đang vào nhà anh Hải. Đám này đúng là thứ trở cờ, lấy điểm.

- Nho nhỏ thôi anh ơi. Thuận rít lên. Coi chừng tụi nó nghe được là mệt lắm.

Tôi bất lực ngồi yên, lòng chua xót. Khi Ngàn, Thuận sửa soạn đi tiếp thì tôi cũng đứng dậy bước theo. Nhưng Thuận kéo tôi lại.

- Anh ở đây. Bên ngoài nguy hiểm lắm. Nhờ anh coi chừng nhà cửa dùm tụi em. Tiệm hình và cái quầy sinh tố mấy đứa trong xóm gởi cũng phải coi chừng để khỏi bị phá phách. Còn mẹ em nữa. Vi nó còn nhỏ quá, giao nhà cho nó trông chừng, tụi em không an tâm chút nào.

Tôi gật đầu rồi ngồi yên. Nhìn mẹ bạn mà nhớ tới má tôi. SàiGòn giờ này chắc là rúng động vì mất thêm một vùng chiến thuật. Cả hai thành trì ngăn cản bước tiến của làn sóng đỏ đã không còn. Một nửa miền Nam thất thủ. Số phận của Sài Gòn rồi sẽ ra sao ?!

Cả buổi chiều hai bác cháu ngồi thở vắn than dài trong khi bên ngoài vẫn tất bật một dòng người xuôi ngược. Khi mọi người trở về đông đủ thì đã mờ tối. Không có tin tức gì của Trần Hiền. Ba của bạn đã gầy yếu lại thêm căng thẳng quá độ nên vừa bước chân vào nhà thì muốn té xỉu. May là em Nam thấy kịp nên dìu ngay ông cụ vào phòng.

Không ai cho tôi đi đâu mặc dù tôi đã có dự tính trở ra khu Nguyễn Hoàng, gần Ga xe lửa, để tìm một người bạn khác. Câu chuyện quanh bàn ăn chỉ có một đề tài duy nhứt, về một người duy nhứt. Thôi thì đủ mọi lời dự đoán, mọi niềm âu lo. Mãi đến khi tôi đùa và nói biết đâu chừng Trần Hiền giờ này cũng đang ngồi ăn cơm tối với gia đình tôi ở Sài Gòn thì mới có vài nụ cười và le lói chút sinh khí trong nhà.

Đêm. Vẫn là màng tối thâm u trĩu nặng trong lòng. Mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng trong cùng một dòng định mệnh. Bên ngoài đã lắng dần cơn sốt “ hồi cư ” đầy xáo trộn. Chỉ còn tiếng phóng thanh lưu động của Uỷ Ban Quân Quản gì đó kêu gọi trật tự và sinh hoạt bình thường. Còn trên đài phát thanh Đà Nẵng thì từ chiều đến giờ vẫn là những ca khúc ngợi khen công đức của lãnh tụ Hồ Chí Minh, những bài hát như lấy nhạc từ trong phim Tàu, những lời mừng công lao chiến thắng, hay những lời sắt máu đầy thù hận. Nghe mà cảm thấy ấm ức và buồn vô hạn.

Sắp tàn đêm mới hay mình vừa qua một ngày chúa nhựt, ngày đầu tiên hít thở không khí “ cách mạng “ trong những hồi hộp từng cơn. Tạm thời vẫn chưa thấy gì ghê gớm xảy ra ( hay đã xảy ra rồi, ở một nơi nào đó, làm sao biết được !? ) trong thành phố. Vài lời kinh khấn tạm trước khi trôi vào giấc ngủ chập chờn. Lịch sử vừa thay trang. Dòng đời đang đổi hướng. Rồi mai này sẽ ra sao? Câu hỏi cứ thế mà lan man trong đầu suốt đêm .

THỨ HAI 31-03-1975.
9H30. Bừng mắt dậy đã thấy miệng khô, cổ đắng và tay chân rã rời như muốn cảm.

- Ngủ thêm chút nữa đi con. Còn sớm mà. Bác gái vừa loay hoay quét nhà vừa nhìn tôi trìu mến. Tụi nó đi hết rồi. Chỉ còn ông bà già này ở nhà thôi.

Tôi nghe có chút chua xót trong câu nói nên mở lời an ủi bác. Rửa mặt xong trở lên nhà thì đã thấy có cà phê trên bàn ăn. Ba của Hiền đang ngồi đó, trầm ngâm. Tôi đến chào, rồi ngồi xuống ghế bên cạnh, nhìn bâng quơ ra đường, lòng trống rỗng, và không biết mở lời ra sao cho không khí bớt tẻ nhạt. May quá, Thuận và bé Vi cũng vừa bước vào .

- Tụi con mới đi một vòng về. Vẫn chưa có tin gì cả. Thôi, ba mẹ đừng buồn. Chắc không có chuyện gì xảy ra với anh Hiền đâu. Thuận vừa nói, vừa bóp vai người cha vẫn còn im lìm nhìn ra cửa. Bà mẹ thì chỉ lặng lẽ quay mặt vào trong bếp, chắc là để che dấu xúc động.

- Sân vận động cũng đông lắm, nghe nói có tụ tập hay mít tinh gì đó. Bé Vi góp lời.

Và cùng lúc đó như để minh xác lời của hai chị em thì bên ngoài có xe chạy ngang qua kèm theo lời phóng thanh kêu gọi giao nộp vũ khí tại sân vận động, và ổn định sinh hoạt hằng ngày về mọi mặt .

Tôi bỗng nổi máu tò mò muốn đi một vòng cho biết sự tình, vừa định lên tiếng thì đã có người đi vào với Nam.

- Tôi không biết ông ghé lại đây. Trung Sĩ Năm, ban 4 vồn vã đến chào ông cụ và tôi.
Thằng Nam nói mới biết.

Tôi hỏi thăm những người quen biết cũ thì anh Năm nói không gặp ai, ngoại trừ tôi. Theo anh thì tình hình bên ngoài tương đối khả quan mặc dù không tránh khỏi những tia nhìn dò xét của đám nón cối hay nón tai bèo mỗi khi gặp nhau.

- Không đáng sợ bằng đám ăn ké. Tụi băng đỏ mới khốn nạn. Em rể tôi mới hôm qua còn bị mấy thằng cà chớn hù cho mấy câu.

Mọi người im lặng giây lát. Sau đó anh Năm bất chợt rủ tôi đi một vòng phố Đà Nẵng .

- Ra ngoài một chút cho khuây khỏa đi. Ngồi hoài một chỗ dễ sinh bệnh lắm. Vã lại, nếu muốn thì tụi nó đã làm thịt mình hôm qua, hôm kia rồi.

Tôi gật đầu. Lần này không có ai phản đối hay tìm cách cản tôi lại.

Cùng đi với anh Năm và tôi là anh Hải, thiếu úy Địa Phương Quân, em rể của anh Năm. Cả ba chúng tôi nhắm hướng Nguyễn Hoàng, qua Cầu Vồng, và từ đó tạt vào Sân vận động. Đường phố vẫn còn đầy dẫy những quân phục, quân trang và rác rưới. Không ai buồn thu dọn. Mọi người dường như vẫn còn thụ động trong việc chấp nhận một sự thay đổi quá bất ngờ. Ngoài những nón cối, tai bèo, băng đỏ đang làm chủ đường phố, tất cả mọi thứ sinh hoạt khác đều chùng xuống với nhà cửa im lìm, lạnh lẽo đến vô hồn .

Ngôi nhà mang số 47 trên đường Nguyễn Hòang cũng vậy. Không thấy dấu hiệu có người đang sinh hoạt bên trong. Bình thường khi đứng ngay cổng là đã có người mở cửa chạy ra đón. Hôm nay thì rèm buông kín mít.

- Vào gõ cửa xem sao. Anh Hải nói. Biết đâu họ đang ở bên trong.

- Thôi khỏi. Có lẽ chưa phải lúc đâu anh. Tôi lắc đầu.

Mấy khu phố buồn thiu, nhưng càng gần sân vận động thì trên đường người qua kẻ lại càng thêm đông. Có lẽ vì tò mò, cũng có thể là ra ngoài cho có cảm giác thoải mái không chừng. Gìa, trẻ, lớn, bé, thanh niên, và cả một số phụ nữ đã bắt đầu bạo dạn hơn khi lướt qua những màu kaki Nam Định với AK và B40 còn cặp ngang hông như sẵn sàng phản ứng khi có chuyện xảy ra.

Tới sân banh thì đã thấy từng nhóm người tụ tập đó đây ngoài cổng chánh. Một vòng bộ đội ôm súng đứng dài theo bờ tường phía ngoài. Bên trong, ngay giữa sân cỏ là một bãi vũ khí cá nhân chất chồng. Có một toán lính vừa tai bèo vừa nón cối đứng thành vòng tròn tại nơi gom súng ống và một vòng đai bảo vệ khác rải dài theo đường chạy điền kinh. Họ cẩn thận cũng phải vì nếu dấu đạn trong người thì chỉ cần một chục giây đồng hồ là đủ để chộp lấy vũ khí, lắp đạn và …

Xớ rớ một hồi, chúng tôi rủ nhau ra phố chính, đảo một vòng qua Độc Lập, xuống Yên Bái định trở qua Hùng Vương rồi thả ngược về. Nhưng vừa đi ngang cổng sau nhà thờ Chánh Tòa thì tôi gặp một gương mặt quen thuộc từ góc Hùng Vương- Yên Bái đi ngược lại, trên tay cầm một gói giấy.

Nguyễn Văn Ý mừng rỡ bắt tay chúng tôi:

- Không ngờ gặp lại mày ở đây. Tao tưởng đâu Ban 4 vọt hết rồi.

Chúng tôi hỏi thăm về Đại Đội Trinh Sát của Ý thì anh bạn “ cắc kè bông “ chỉ vắn tắt kể đại khái là lúc trở về từ Quảng Tín thì sáng hôm sau là có tập họp Đại Đội nhưng sau đó thì lệnh lạc nhận được chỉ là ứng chiến tại chỗ và không có sinh hoạt gì khác.

- Tao cũng như mày. Nguyễn Văn Ý kết luận. Cũng tứ cố vô thân. Hai hôm nay lóng nhóng ngoài đường xem có gặp ai quen hay không. Đang ở ké một thằng em bạn để chờ thời. Nhà nó gần đây thôi. Mới vớt được một ít đồ nhắm. Có ai muốn theo tui về nhậu cho quên đời không!?

Thấy đứng lâu ngoài đường không tiện, tôi đề nghị mọi người đi theo anh bạn Trung Đội Trưởng Viễn Thám, nhưng anh Năm và anh Hải từ chối, nói là phải vòng trở về vì đi đã khá lâu và họ cũng không muốn ở nhà lo lắng. Tôi cũng định theo về nhưng nghĩ lại thấy mình không giúp được gì cho gia đình Trần Hiền nên quyết định theo Ý, và nhờ anh Năm nhắn lại với ba má Trần Hiền dùm tôi.

13H 30
Căn phố ba tầng có sân thượng nằm cùng dãy với nhà thờ Chánh Tòa, trong khu vực sầm uất nhứt của đường Độc Lập. Tầng trệt là ga ra xe, phía trong là phòng khách và nhà bếp kiêm phòng ăn khá rộng. Căn nhà coi như vô chủ vì người em bạn mà Ý nói chỉ là một người bà con của gia chủ từ Huế vào lánh nạn rồi quyết định ở lại thay vì theo gia đình ông cậu chạy vào phi trường tìm phương tịên vào SàiGòn từ mấy hôm trước.

- Ngày đầu thì cả nhà trở về sau một ngày mòn mỏi chờ đợi. Tiến, đứa em bạn còn đang học lớp 12 ngồi kể. Ngày 26-03 lúc em vừa tìm tới đây, chỉ vừa kể xong chuyện di tản từ Huế vào thì bạn của cậu em, một nhân viên an ninh phi trường ghé lại hối cả nhà xách túi chạy vào sân bay. Cậu bảo em đi theo nhưng vì cả nhà em bị thất lạc từ lúc em vừa rời Huế sáng ngày 25, và nơi hẹn là nhà này, nên em ở lại. Mấy hôm nay chờ hoài không thấy ai trong nhà em ghé đến. Không biết có chuyện gì xảy ra hay không mà đã một tuần nay rồi không có tin tức. Còn về phía gia đình năm người của cậu cũng vậy. Không hiểu có thoát được chưa hay là…

- Không sao đâu! Tôi ngắt lời và trấn an Tiến. Chắc tại còn lộn xộn quá. Cứ kiên nhẫn chờ tin. Còn gia đình em thì có lẽ đã tạm dừng ở đâu đó rồi kẹt luôn không chừng.

- Phải đó Tiến! Nguyễn Văn Ý phụ họa. Mấy người trong nhà này chắc cũng đi thóat lâu rồi. Nếu không thì đã phải về lại đây chứ! Từ phi trường về đây đâu có bao xa.

Đứa em bạn ngồi im lặng một lát rồi lên lầu. Chỉ còn Ý và tôi ngồi tại bàn ăn, vừa nhâm nhi lai rai vừa lắng tai nghe những tiếng động vọng lại từ ngoài đường. Chúng tôi đưa cay trong thinh lặng hồi lâu. Được một lúc thì Ý đập tay xuống bàn :

- ĐM! Thật là tức tối gì đâu! Mình bây giờ chẳng khác gì cá mắc cạn chờ chúng nó vớt lên làm thịt. Cái trò hú tim này thật là nghẹt thở quá!

Biết bạn đã ngà ngà say, tôi cố tìm cách lãng qua những câu chuyện thời còn trong quân trường hay những buồn vui lúc học Rừng Núi Sình Lầy để chàng Trinh Sát bớt căng thẳng. An ủi bạn mà cũng là tự trấn tĩnh mình để không quá tuyệt vọng. Hiện giờ có biết bao nhiêu người cùng hoàn cảnh và tâm trạng như chúng tôi? Họ đang làm gì, nghĩ gì?! Hay cũng ngồi bó gối tìm quên bằng mọi hình thức. Đồng đội, chiến hữu, thượng cấp của chúng tôi đang ở đâu? Hai hôm nay có thêm được ai vượt thóat hay không ?! Mấy chục ngàn tay súng bây giờ ra sao, đang ở đâu? Hay tất cả đã trở thành tù nhân của trại giam khổng lồ mang tên Đà Nẵng?! Tôi quay sang Ý, định hỏi xem bạn có tính toán gì cho tương lai hay không thì đã thấy chàng ta gục đầu xuống bàn thiêm thiếp ngáy. Cũng là một hình thức để tạm quên đau khổ và sự thật phũ phàng là chúng tôi đã đầu hàng số phận. Vô kế khả thi! Thật đáng buồn!

Tôi dìu bạn qua bên salon nằm tạm rồi leo lên lầu tìm Tiến và cũng để cho biết phòng ốc trong nhà. Các dãy phòng trên lầu một và lầu hai đều đóng kín cửa. Lên tận lầu ba mới gặp Tiến. Căn phòng chiếm hết một nửa chiều dài của ngôi nhà. Một nửa còn lại là sân thượng có hàng rào bao quanh. Tiến đang ngồi trầm ngâm nhìn bâng quơ qua dãy nhà lầu bên kia đường. Tiếng nhạc vang lên nhè nhẹ từ máy radio cassette đặt trên giường ngủ. Tôi đến bàn, ngồi kế Tiến. Đứa em bạn đẩy gói President qua, rồi tiện tay rót cà phê pha sẵn trong bình thủy đưa cho tôi.

- Em chạy đôn chạy đáo tìm gia đình mấy ngày nay mà không thấy ai. Tiến thở dài. Lo quá anh ạ! Xe cộ thì không có. Lớp thì hết xăng dầu, lớp bị trưng dụng, số khác thì hư hao bỏ xó nên phương tiện giao thông coi như bế tắc. Không có cách trở ra Huế được. Rầu ghê nơi. Không biết có ai bị gì sau mấy ngày cướp phá rồi đụng độ với bộ đội hay không.

- Đụng độ!? Ở đâu, lúc nào? Tôi ngạc nhiên hỏi lại Tiến.

- Đụng ngay Chợ Cồn. Sáng hôm qua. Thủy Quân Lục Chiến bắn nhau với đám băng đỏ và một số bộ đội. Tiến quả quyết trả lời.

Không tìm được xe để về Huế sáng sớm hôm qua nên em đành từ bến xe đò thả bộ theo Hùng Vương để về đây. Gần đến Chợ Cồn thì có một toán lính TQLC còn súng ống đầy đủ vượt qua em. Không biết họ từ đâu xuất hiện. Em và mọi người trên đường đều ngạc nhiên, kể cả đám người đội nón tai bèo đang xớ rớ qua lại cũng chỉ trơ mắt nhìn. Không ai nói gì với họ vì mấy ổng ngầu lắm, và im lặng đi thật nhanh, hình như họ muốn tới chỗ hẹn nào đó ở phía Bạch Đằng hay về tận Sơn Trà không chừng. Mọi người vừa qua mặt em thì bị một đám băng đỏ kéo ra bao vây, bộ đội cũng xuất hiện ngay sau đó. Tiếng lên đạn nghe lạnh mình. Ai nấy rạp mình xuống nền đường hay chui rúc vào một góc tường nào đó.

-Bỏ súng xuống! Mau lên. Một gả băng đỏ hét lớn.

Không nghe ai lên tiếng, nhưng ngay sau đó là một tràng đạn thay cho câu trả lời rồi súng nổ tá lả, người chạy rầm rập. Bắn nhau không lâu nhưng liên tục và đồng loạt. Bà con đi đường la quá xá chừng. Và tự dưng tiếng súng im bặt. Em lén lú đầu dậy coi thì thấy không còn bóng dáng lính mình đâu hết. Đám tai bèo, băng đỏ và bộ đội thì lom khom , dáo dát ghìm súng dọc theo bên này đường. Góc Ông Ích Khiêm, Hùng Vương bị chận cứng. Có lẽ họ muốn dọn dẹp chiến trường vì khi em và bà con được cho đi tiếp thì chỉ còn thấy nhiều vết máu và vết đạn lỗ chỗ trên tường nhà chung quanh khu vực đó.

Như vậy thì ít nhứt cũng đã có hai người nói về chuyện này cho tôi nghe, rất mạch lạc và sống thực. Chuyện thật, hay là những tin đồn phóng đại!? Không thể nào kiểm chứng được. Nhưng ít ra những tin tức như thế này cũng nói lên được phần nào lòng thương tưởng của người dân dành cho Lính. “ Quân từ Dân mà ra, Dân nhờ Quân mà sống “. Dân còn đây, Quân thì đã như mây khói. Càng nhớ những lời này càng thấy thấm thía cho sự tan hàng của cả Quân Khu. Và càng nghĩ lại càng thấy buồn bực nên tôi bất giác thèm đi một vòng phố để quên cảm giác tù túng đang dần dà tạo sự cùng quẩn trong đầu óc từ hai hôm qua. Khi nói ra ‎ý nghĩ này với Tiến thì đứa em bạn gật đầu.

Chúng tôi ra đường sau khi ghi vài chữ cho Nguyễn Văn Ý. Trời sắp về chiều. Phố xá vẫn mang nét gượng gạo và e dè của mấy ngày đầu đổi chủ. Xe cộ thưa thớt, toàn là xe của bộ đội, hay quân xa, nhứt là Jeep tịch thu của Quân Đội miền Nam, thỉnh thoảng có vài xe gắn máy qua lại, đa số là bộ hành. Đã không còn vẻ hớt hải, sợ sệt của hôm qua, hôm kia, nhưng nét hoang mang và lo lắng vẫn còn hằn trên nét mặt của mọi người, mọi lứa, ở khắp mọi nơi.

Hàng quán lưa thưa cũng chỉ mở cửa lấy lệ, có tính cách thăm dò hơn là vì nhu cầu kinh tế. Nhiều hơn hết là quán cà phê bình dân hay lộ thiên, nơi có vài thanh niên ngồi nhìn bâng quơ ra đường. Họ là ai, sau những gương mặt như có lớp sương mờ nhạt ấy?! Chắc chắn không phải là đám mán mới về thành. Càng không phải là đám “ quyết tử”. Vì những người này còn đang bận đóng vai trò chủ nhân hay chó săn rình rập từng khu phố, từng con đường. Chắc chắn đó là những chiến binh của một thời ngang dọc, nay đã thành những cánh chim lìa đàn, xa tổ, ngồi nhớ thuở tung mây hay mơ trời quang đãng.

Những con đường quen thuộc lần lượt nối nhau qua bước chân vô hồn của anh em chúng tôi. Những ngôi trường mới hôm nào mang đậm nét hồn nhiên của tuổi học trò, nay cũng im lìm, hoang vắng trong màu chiều dần buông. Thế giới của hoa niên thơm mùi phấn bảng cũng chịu chung số phận tai ương của thị xã. Phan Chu Trinh, Hồng Đức, những chiếc nôi nuôi dưỡng sức sống của tuổi trẻ Đà Nẵng, mới hôm nào rộn ràng với những ngày Hội Xuân thường niên nay cũng xơ xác, tiêu điều dù vẫn đang mở toang cánh cổng.

Cư Xá vãng lai Duy Tân! Khu nhà tiền chế của quân đội ở gần đó. Vườn thượng uyển của những sĩ quan tạm thời tá túc để chờ phương tiện, gác trọ khang trang của mấy chàng độc thân có nhiệm sở hành chánh trong thị trấn hay bên Quân Đoàn, đã không tránh khỏi tai họa khi được những bàn tay nhám nhúa chiếu cố tận tình. Đồ đạc vung vãi khắp nơi và lác đác đó đây vẫn còn bóng dáng của vài người thập thò khuân vác những món cần dùng còn xài được.

Hầu như nơi nào chúng tôi thả bước qua cũng đều mang một nét ảm đạm như nhau. Đường vắng, nhà hoang. Nhịp hồi sinh của Đà Nẵng chỉ mới ở mức khởi động. Tàn tích của một cơn bão loạn vẫn còn đó. Rác rưới đủ loại vung vãi ngập đường. Chưa có người thu dọn và cũng không ai buồn dòm ngó tới. Càng đi càng thấy thấm thía cho thân phận của thành phố biển trong cuộc đổi đời đầy máu và nước mắt. Những con đường lớn, nhỏ hôm nào mang nét thân thương, hoa mộng của những “ Cọp Nhí “ mới nhập cuộc nay đã là nhân chứng của lịch sử đổi đời. Độc Lập, Quang Trung, Hùng Vương, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Yên Bái cùng phố xá mang kỷ niệm dễ thương của đám quai chảo từ Sài Gòn ra nhận đơn vị trong mùa Noel 1973 đang làm tôi buồn bã nhớ từng khuôn mặt của đồng đội và bạn bè đến quay quắt.

Chúng tôi hầu như không ai nói với ai một lời nào trong suốt lộ trình “ phiêu lưu “ cho biết sự tình. Cõi lòng nặng trĩu theo từng bước chân lê la qua những đường xưa lối cũ. Khi về tới “ nhà ” thì cũng vừa tắt nắng. Chúng tôi thận trọng nhìn quanh rồi mới kẻ trước, người sau lách qua cửa sắt thật nhanh. Bên trong đã tối. Tiến với tay bật đèn ngay khi bước vào, nhưng tôi cản lại, chỉ vào nhà ăn phía bên trong.

- Mở đèn ngoài này sẽ để lọt ánh sáng ra hè phố. Không nên! Trong bếp kín đáo hơn.

Tiến gật đầu. Nguyễn Văn Ý không có trong nhà ăn hay trên salon. Chúng tôi lên lầu một. và lầu hai cũng không. Thêm mấy bậc thang dẫn lên sân thượng thì nghe văng vẳng tiếng nhạc và cả giọng hát như vịt gọi bầy của “ Cắc Kè Bông “. Bước vào phòng thì thấy anh chàng đang chống cằm nhìn qua cửa sổ, vừa ngồi xoay xoay một viên bi hay một vật tròn gì đó, vừa mê mẫn nghe nhạc trong khi cửa sổ mở toang. Căn phòng chìm trong bóng tối mờ mờ.

- Mình xuống bếp là vừa. Em thấy đói bụng rồi. Tiến vừa nói vừa vỗ nhẹ vào vai của Ý rồi tiện tay khép lại cửa sổ ngay trước mặt hắn.

- Anh còn no. Ý uể oải trả lời. Ngồi đây thấy thú hơn.

- Mày có ăn gì đâu mà no chứ! Tôi ngắt lời bạn. Mớ tôm khô củ kiệu đó mà thấm tháp gì. Phải ráng nhét đầy bao tử mới được. Chỉ sợ mai này không có gì để ăn mà thôi.

- Thôi được! Ăn thì ăn. Ý xua tay, vừa đứng dậy thì có tiếng động khô khốc của một vật gì đó rớt xuống sàn. Tiến! Bật đèn lên mau. Giọng của “ Cắc Kè Bông “ nghe thảng thốt. Mau lên !

Đèn bật sáng. Anh bạn lom khom nhìn một vòng dưới gầm bàn, rồi với tay tóm một vật gì đó. Khi chàng Trinh Sát xòe tay cho xem thì Tiến tái mặt như muốn xỉu. Còn tôi lạnh gáy đứng như trời trồng. Một trái Mini! Không ngờ hắn còn giữ của nợ này trong người.

- Mày làm ơn quăng nó đi có được không!? Tôi nhăn nhó đẩy bạn bước xuống lầu. Tao không muốn chết một cách lãng xẹt. Mày còn giữ nó làm chi vậy?

- Làm kỷ niệm. Hắn tỉnh bơ trả lời. Qùa tặng của bạn cùng khóa với anh thằng Tiến sau một chầu nhậu ở Đại Lộc. Mày đừng lo. Tao không chơi dại đâu. Nhưng cũng có lúc phải cần tới nó không chừng.

Chúng tôi ngồi nhìn nhau dưới bếp còn Tiến thì đang loay hoay nấu nước pha mì gói. Nhanh và gọn.

- Nhờ đi với anh một vòng nên mới thấy đói. Tiến vừa nói với tôi, vừa mở tủ lạnh tìm món gì đó.

Đến lúc này tôi mới nhận ra là trong suốt những ngày đen tối nhứt của Đà Nẵng cho đến hôm nay, đã không có đến một lần cúp điện hay thiếu nước. Điều này chứng tỏ những người có trách nhiệm của Công Ty Điện Lực và Thủy Cục chắc chắn đã không rời bỏ nhiệm sở hay xao lãng bổn phận cho dù thành phố đã lên cơn sốt di tản trong tuần qua và đang trong tình trạng phập phồng hay rối bời như hiện nay.

- Không thể như thế này mãi được. “ Cắc kè bông “ thở dài, lẩm bẩm. Kiểu này chắc tao điên mất.

- Thì cứ bình tĩnh cái đã. Tôi thả từng chữ để che dấu sự rã rời của chính mình. Nóng mũi như mày cũng chẳng ích lợi gì. Muốn gì thì mày cứ nói thử xem sao.

- Tao đang rối trí đây. Có nghĩ quái gì được chứ.

- Vậy thì ăn chút gì đi. Phải ăn để cho có sức rồi tính gì thì tính.

Tuy nói vậy nhưng tôi cũng chỉ nuốt được đúng một chén mì gói rồi buông đủa qua ngồi bên salon đốt thuốc. Ăn không ngon, nuốt không trôi, mặc dù gia chủ đã nấu sẵn nhiều thứ để trong tủ lạnh, và gạo cùng những gia dụng khác thì có lẽ cả tháng xài cũng chưa hết. Mọi thứ trong nhà bếp vẫn ngăn nắp, chứng tỏ mấy hôm nay bạn và Tiến hầu như không đụng gì tới cơm nước.

Rồi cũng xong bữa ăn. Tiến lên sân thượng. Cậu em bạn hình như chỉ thích một mình, một cõi. Ý ngồi thừ người tại bàn ăn. Còn tôi nằm tư lự thả khói. Buồn bã. Không biết giờ phút này gia đình ra sao. Chắc là lo lắng ghê lắm. Mọi liên lạc đều hoàn toàn bị cắt đứt. Đà Nẵng bây giờ đang nằm sau bức màn sắt và hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài mặc dù tai mắt của các hãng thông tấn chắc chắn vẫn còn lẩn quẩn đâu đó trong thị xã. Dù sao cũng là thành phố quan trọng đứng hàng thứ nhì của toàn miền Nam. Nhưng phương tiện truyền thông không còn khả dụng, lấy gì đưa tin đi và nhận tin trở lại!?

- Mày có đự tính gì không Huy? Không lẽ nằm đây chờ chết!?

Câu hỏi của bạn lôi tôi ra khỏi vùng suy tưởng. Ngay bây giờ đầu óc tôi trống rỗng. Mấy hôm nay lòng trống vắng và chân bước như đang mộng du. Không có chủ đích hay mục tiên nhứt định. Đi để không bị ngột ngạt trong bốn bức tường. Đi để nhìn người rồi tự an ủi là không phải chỉ có mình là bất hạnh phải chào thua định mệnh. Tuy vậy tôi cũng cố gắng tìm một câu trả lời, cho dù không đúng hẳn với lòng mình đang suy nghĩ.

- Tao định sẽ tìm xe để vọt về phía nam. Gần SàiGòn được chút nào hay chút đó.

- Xe?! Xe gì mới được. Ý hậm hực trong kẽ răng. Tụi nó tịch thu hết cả rồi. Một chiếc xe
đò cũng không có. Mà đi được tới đâu chứ!?

- Còn xe hàng, xe tải. Từ từ mà kiếm. Tôi cũng hết cách nên nói cho có lệ.

- Mẹ kiếp! Chỉ sợ mày bị chúng nó làm thịt trước khi có cách mà thôi.

Tôi không biết phải đối đáp ra sao, vì bạn nói rất đúng. Còn đang nghĩ ngợi thì Tiến chạy xuống, trên tay cầm chiếc radio cassette:

- Có tin của BBC !

Chúng tôi gom lại quanh bàn kiếng salon. Phần phát thanh bị nhiễu sóng, đôi khi có tiếng rè rè thật khó nghe, nhưng điểm chính của bản tin thì thật rõ ràng: “ … Cho đến hôm nay, một số thương thuyền vẫn còn lảng vảng ngoài khơi Đà Nẵng để chờ vớt những người dùng ghe, tàu vượt thoát …Thành Phố Qui Nhơn thuộc tỉnh Bình Định đã mất vào tay Cộng Sản…Đụng độ quyết liệt giữa Nhảy Dù và quân chính quy Bắc Việt tại đèo Khánh Dương, Quốc Lộ 21… ”

- Tới phiên Qui Nhơn rồi! Ý thở dài. Còn Khánh Dương thì cách Dục Mỹ không xa. ĐM! Tụi nó chuyển quân cách nào mà nhanh quá vậy!?

Tôi ngồi im lặng, thầm chua xót. Cách duy nhứt chỉ là cố gắng ra biển, với hy vọng địch không kịp pháo chận hay không có phương tiện rượt đuổi. Đường bộ thì bó tay. Và cũng không có lối về miền đất tự do ở phía nam vì vùng Một và cao nguyên đã hoàn toàn nằm trong tay Cộng Sản. Không lẽ Việt Nam Cộng Hòa trong tương lai chỉ còn bãi cát của miền duyên hải trung phần và hai vùng chiến thuật còn lại?!

- Ngày mai em sẽ tìm cách về Huế. Chỉ cần tìm được bất cứ xe nào chạy về hướng bắc là xong. Em hết kiên nhẫn rồi. Tiến vừa nói vừa uể oải nằm dài trên salon đốt thuốc. Em vừa lo cho mẹ vừa nghĩ tới anh Thành. Chắc chắn anh ấy giờ này đang cùng hành quân với đơn vị. Chỉ có mẹ và chị em thì không biết ra sau…

- Sáng mai tao với mày qua Thanh Bình xem tình hình ra sao. Ý nói với tôi. Biết đâu trời thương tụi mình.

- Được! Tôi vừa dụi tàn thuốc vừa trả lời. Tao đi với mày. Nhưng bây giờ phải tắm cái đã. Tiến chịu khó vào các phòng tìm khăn và xem coi có quần áo nào bỏ lại thì cho anh xin một bộ. Bộ đồ này đem làm mắm được rồi đó.

- Dạ. Anh theo em. Thú thật là em chưa lục lạo gì trong mấy phòng dưới này. Em chỉ thích sân thượng thôi. Trước đây căn phòng trên đó là giang sơn của đứa em họ. Hình như trong tủ của nó còn khá nhiều bộ quần áo. Anh cứ tự nhiên lấy mặc.

Tôi vừa tắm rửa và thay quần áo xong thì nghe tiếng gọi cửa dồn dập của chàng “ Cắc Kè Bông “.

- Qua phòng kế bên ngay. Mau lên. Mày cần phải xem cái này mới được.

Chúng tôi bước vào căn phòng ngủ sang trọng, có lẽ là của vợ chồng gia chủ. Tiến đang ngồi sẵn trên giường, bên cạnh là một túi xách Pan Am đựng mớ vật dụng cần thiết của phụ nữ và xen kẽ, lẫn lộn trong đó là…Tiền! Toàn là giấy 500 và 1000!

- Có lẽ vì gấp quá nên mợ em quên. Tiến chìa cho tôi xem một xấp bạc rời. Chỉ tay vào bàn trang điểm kề bên, Tiến nói tiếp. Trong hộc tủ còn một lô hộp quẹt và mấy hộp manchette của cậu. Mấy anh cần hay thích gì cứ lấy dùng. Em nghĩ là nếu có trở về đây thì cậu mợ sẽ không thắc mắc chi đâu.

- Bây giờ em là chủ căn nhà này. Chỉ cái nào anh sẽ chộp cái đó ngay. Ý nhà ta nói vậy, nhưng cũng đã nhanh tay quơ lấy một cái Zippo Mini thật xinh xắn.

Tôi đưa mắt nhìn quanh, trong lòng thật sự không thấy cần gì. Lương tháng 3 vẫn chưa xài hết. Trong hoàn cảnh này khi không biết ngày nào tiền của Việt Nam Cộng Hòa sẽ không còn giá trị lưu hành. Sớm muộn gì cũng sẽ thành giấy lộn mà thôi.

- Tụi mình coi như là vô gia cư. Tôi nói thật ‎những gì đang đè nặng trong lòng. Trước sau gì cũng phải rời khỏi đây vì không biết mình sẽ yên thân được bao lâu nữa. Việc đầu tiên là tránh mặt đám nằm vùng được ngày nào hay ngày đó. Kế tiếp là tìm cách thoát khỏi Đà Nẵng nếu được. Bằng không thì ai sao mình vậy. Ngày mai nếu Tiến cần phải về Huế thì nên mang tiền theo. Anh chưa cần.

- Theo tao thì mình cứ “ mượn đỡ “ một ít tiền. Biết đâu trời thương cho mình tìm được xe cộ hay tàu bè thì sao!?

Tôi và Tiến cùng bật cười sau câu nói của Ý. Một nụ cười thật hiếm hoi, và cũng là thoáng an ủi để những đứa “ Con Bà Phước “ nhẹ lòng thao thức qua đêm.

THỨ BA 01-04-1975.

“ Em xin phép đi trước hai anh. Nếu không về được Huế thì em sẽ quay trở lại. Em có ghi vài chữ, phòng khi gia đình của cậu em trở về. Nhưng em nghĩ là cậu mợ đã đi thoát rồi. Các anh cứ tự nhiên trông nhà dùm em. Chúc mọi sự may mắn. “

Bức thư đặt trên túi Pan Am để ngay cạnh chỗ nằm của chúng tôi. Ý và tôi nhìn nhau im lặng. Bây giờ đã gần 9 giờ sáng. Không biết đứa em bạn đã đi đến đâu. Vài lời thầm chúc cho Tiến và gia đình được bình an. Vài lời bàn tính cho những gì cần làm cho cả ngày. Mở hé cửa, gài sẵn khóa. Đảo một vòng quan sát tình hình. Bên ngoài đã có người qua lại khá đông. Mọi thứ có vẻ bình thường mặc dù nón cối và dép râu có mặt khắp nơi.

- Sẵn sàng chưa!?

- Rồi. Mình vọt đi!

Lách mình. Đóng cửa. Không cần nhìn lại cũng biết Nguyễn Văn Ý chỉ cần đúng hai giây đồng hồ. Lại thêm một ngày nắng tốt. Ấm áp. Sinh hoạt trên phố phường đã có vẻ kha khá hơn một chút. Đã có vài cửa hàng dịch vụ và quán ăn mở cửa trở lại. Các khu chợ và thương mãi cũng dần dà bắt lại nhịp cũ. Có điều đáng ngạc nhiên là có những món hàng trước đây thuộc loại xa xí phẩm thì nay lại được giới nón cối chú trọng triệt để: radio bán dẫn, đồng hồ đeo tay và …viết máy.

Chúng tôi ngồi ở một quán Tàu trên Hùng Vương, gần chợ Cồn, ăn chút gì cho chắc bụng, và cũng để dò xem có ai nói hay kể gì về câu chuyện chạm súng hai hôm trước hay không. Nhưng ai nấy đều tư lự nhìn ra đường. Nếu có trao đổi gì đó thì những câu chuyện đều chỉ vừa đủ nghe tại bàn. Trật tự bên ngoài tưởng như đã được vãn hồi phần nào nhưng cũng chỉ ở mức thăm dò rất gượng gạo vì lòng người vẫn còn nhiều chao đảo.

- Thôi mình đi! Trưa rồi đó. Ý đứng dậy trước.

Chúng tôi hòa vào dòng người, theo Ông Ích Khiêm thả dài về bãi Thanh Bình. Đường rộng, phố đông, nhưng đa số nhà cửa vẫn im lìm kín mít. Các ngã tư Quang Trung, Nguyễn Hoàng, Trần Cao Vân đều có từng nhóm nón cối tụ tập, hoặc để giữ an ninh trật tự, hoặc đưa mắt cú vọ nhìn theo mọi người đang qua lại.

Bãi biển Thanh Bình! Một thời là nơi hò hẹn của trai thanh gái lịch thời đệ nhứt Cộng Hòa, thắng cảnh bị lãng quên trong thời kỳ leo thang chiến cuộc, đã trở thành một bãi rác khổng lồ với đủ mọi thứ trên đời nằm vung vải xuống tận mé nước. Từ vali, áo quần, giày dép, túi xách, bao nylon, thùng gỗ, thùng phuy, thùng sắt, ván gỗ, thúng chèo sút càng gãy gọng, cho tới võ ruột bánh xe và những thứ lềnh bềnh trên mặt nước không thể nhận dạng được. Chúng tôi ngao ngán lẩn quẩn một hồi lâu. Cùng loay hoay đây đó trên “ bãi rác “ còn có một số người chắc là cũng ra đây cầu may một cơ hội hay tìm lại những thứ đã vứt bỏ trong lúc hoảng hốt trước đây. Mọi người đều im lặng. Một thứ im lặng của nhẫn nhục và chịu đựng.

- Vào thử Tam Tòa ra sau. Ý bất chợt nói thật nhỏ, vừa đủ cho tôi nghe. Khu đó của nhà thờ. May ra còn chút hy vọng. Đi theo tao.

Tôi lưỡng lự nhìn về phía Tam Tòa rồi gật đầu. Khi trở lên thì có một toán lính đội nón tai bèo, mang dép râu cỡ chừng một tiểu đội, súng cặp ngang hông, đang chậm rãi bước lần xuống mé bãi. Có lẽ là một toán tuần tiểu đang thi hành nhiệm vụ. Chúng tôi và một vài người khác nép vào bên đường, nhường lối cho họ đi qua và tránh nhìn những ánh mắt dò xét đang soi mói quét ngang, lướt dọc.

Liếc qua “ Cắc Kè Bông “ thì thấy hắn dơ tay lột nón, làm bộ lau mồ hôi để không nhìn đám du kích hay dân quân địa phương đó. Nhưng nhìn kỹ lại mới biết trong tay cầm nón là quả Mini nằm thật gọn trong tư thế sẵn sàng rút chốt. May quá! Không có chuyện gì xảy ra. Tôi hồi hộp nín thở chờ cho toán tuần tiểu đi hẳn rồi mới nhích qua bạn.

- Sao mày mang theo của nợ này làm chi vậy? Mà giấu nó ở đâu. Sao tao không thấy?!

- Trên đầu. Ý vừa bước theo tôi vừa trả lời tỉnh bơ.

Không biết nói thật hay đùa, nhưng từ lúc đó trở đi, vài ba phút là tôi liếc nhìn chiếc nón trên đầu hắn, cứ sợ mang họa vì trái Mini rớt ra bất chợt. Đường vào Tam Tòa đi ngang nhà Trần Hiền, nên tôi rủ Ý ghé vào một lát, đủ để thăm cả nhà đang sửa soạn ăn trưa và hỏi han về tin tức của người bạn học thời sinh viên. Trần Hiền vẫn bặt tin. Mọi người muốn giữ lại nhưng chúng tôi nói cần phải đi ngay và hẹn sẽ ghé lại trên đường về. Khi chào Bác trai để đi tiếp thì ông cụ tiễn ra cửa kèm theo một câu dặn dò chí tình.

- Cần gì phải vào Tam Tòa. Con hẽm kế bên nhà cũng dẫn ngay xuống biển. Nhưng chắc là không khả quan vì bác nghe nói còn lộn xộn lắm. Nhớ đừng làm chuyện bốc đồng nghe mấy cháu. Làm gì cũng nên cẩn thận là hơn.

Tôi dạ rồi kéo Ý đi ngay để che dấu niềm xúc động. Cả nhà xem tôi như một người thân, nếu không muốn nói là như một Trần Hiền thứ nhì trong gia đình. Nghe bác trai nói cũng không sai vì Tam Tòa cũng không còn bao xa nên vừa ra khỏi nhà Trần Hiền một đoạn, chúng tôi chọn đại một con hẽm bên phải đường để quẹo ra hướng biển.

Đường nhỏ, nhưng đủ rộng để xe gắn máy và bộ hành lách nhau. Nhà cửa san sát, nhưng người qua kẻ lại không nhiều, có lẽ vì đã giữa trưa. Vài ánh mắt có vẻ ngạc nhiên khi nhìn chúng tôi, nhưng không ai nói gì, hỏi gì. Đi được một đoạn thì Ý kè sát bên tôi nói nhỏ, trong khi mắt vẫn nhìn về phía trước.

- Có mấy đứa lãng vãng theo mình từ lúc rẽ vào đây. Mày có biết không?!

- Biết. Tôi khẽ đáp. Nhưng không phải nón cối. Chắc là dân công giáo.

- Tao chỉ lo ngại đám “ quyết tử “ thôi. Xui xẻo gặp tụi nó thì phí “ trái nho “ này lắm.

- Thôi đi cha nội. Tôi gắt khẻ. Giữ mạng mày lại dùm tao. Từ từ dò xét cái đã.

Nói xong là tôi quyết định dừng lại. Nhóm người chừng bốn thanh niên ở phía sau vẫn tiếp tục tiến đến phía chúng tôi. Họ không có vũ khí trên tay, và điều này làm cho tôi cảm thấy an tâm hơn. Khi còn cách mấy bước thì một người có vẻ là đàn anh xẳng giọng hỏi:

- Mấy người đang tìm ai !?

Tôi biết chắc chắn Nguyễn Văn Ý sắp sửa gào lên một tiếng chưởi thề vì chính tôi cũng đang thấy nóng mặt khi nghe anh ta hỏi một cách xấc xược như vậy. Nhưng rồi có tiếng reo vui của người đứng bên cạnh anh ta:

- Ủa! “ Cắc Kè Bông “ ! Anh Ba. Tui biết ông này!

Anh bạn tôi thò lõ hai mắt nhìn người mới giải tỏa sự căng thẳng:

- Anh bạn chắc là …

- Phú. Trong toán Viễn Thám của thiếu úy Thành. Ông không nhớ tui đâu, nhưng cả Đại Đội Trinh Sát ai lại không biết “ Yên Bái “ chứ.

Người đàn ông khi nãy tươi nét mặt, nói lời xin lỗi rồi hối chúng tôi tìm một nơi vắng để tiếp tục câu chuyện. Và vài phút sau là chúng tôi yên ổn ngồi trong một căn nhà nằm sâu trong xóm đạo, nhà của Phú.

- Ở trong này tha hồ nói chuyện với nhau. Tụi nó lâu lâu mới lạng qua một vòng để hù bà con thôi. Anh bạn tên Phú vừa nói vừa rót nước mời chúng tôi.

Sau khi nghe bạn tôi nói rõ mục đích thì Phú chỉ tay vào người bạn của anh ta, thở dài:

- Thằng Thanh ròm này súy‎t chút nữa đã bị đám bộ đội tuần duyên bắn bể gáo hôm Chúa Nhựt. May là bơi giỏi nên kịp bỏ thúng bơi trở vô. Dân Tam Tòa này đi cũng nhiều nhưng số kẹt lại thì đông hơn. Ngay khi đang lộn xộn và có tin đồn tàu Mỹ vớt dân chúng ngoài biển cho tới ngày 30-03 thì còn cơ hội, qua hôm sau thì ghe tàu đã không còn. Chỉ vì chần chờ và chậm chân. Khi tụi này quyết định vọt thì chỉ còn vỏ ruột xe và thúng. Đành chịu thua chúng nó thôi!

Phú cho biết thêm là đám bộ đội kiểm tra và canh phòng rất gắt gao khu vực bờ biển, cả ngày lẫn đêm. Những ai lãng vãng ngoài đó dù lấy cớ trở lại tìm đồ đạc hay thân nhân thất lạc, cũng đều bị đuổi về thẳng thừng. Khu vực phía bắc, cuối đường Trần Cao Vân, lên tận Hà Khê, Hà Đông đều như bãi chiến với không biết bao nhiêu thứ đồ vật bị vứt bỏ trên đường và ngoài bãi bỉển.

- Nếu hai ông muốn vượt biển thì chắc là phải ra ngoài Hòa Khánh hay tận Nam Ô thì họa may mới còn ghe lớn. Nhưng nghe nói tụi nó còn canh chừng gắt gao hơn ở đây nữa.

Nghe nói đến Hòa Khánh thì Ý và tôi nhìn nhau. Hậu cứ Liên Đòan 12BĐQ của chúng tôi ở gần ngay đó. Nhưng làng chài Phú Lộc không có tàu lớn, chỉ toàn là ghe cận duyên. Vậy thì phải ra tận Nam Ô, hay ngược xuống Hội An mới có nhiều hy vọng. Bạn tôi nhờ Phú tìm dùm xe ôm. Phú nói không dám hứa chắc cho dù “ Cắc Kè Bông “ rao giá bao nhiêu cũng được. Sau một hồi bàn bạc với Thanh thì Phú nhận lời tìm mượn xe để chở chúng tôi đi. Giờ giấc và điểm hẹn là ngả tư Trần Cao Vân, Ông Ích Khiêm. Đúng 3 giờ chiều. Có xe hay không thì Phú cũng sẽ đến chỗ hẹn để cho biết.

Chúng tôi thả bộ về tận Cầu Vồng mới tìm được một quán ăn bình dân. Câu chuyện nghe được từ bàn bên cạnh làm tôi nản lòng. Nhóm thanh niên ba người đàn ông và một phụ nữ, không biết thuộc thành phần nào, nhưng chắc là cùng xóm, hay quen biết với chủ quán đã kể cho nhau nghe về chuyện mới hôm qua có một số quân nhân bị bộ đội cộng sản chận bắt khi đang trên đường từ Non Nước hướng về Hội An. Vài người bị hành quyết tại chỗ, đa số thì được thả.

- Tao dám chắc đó là Thủy Quân Lục Chiến. Một người nói.

- Tao cũng nghĩ như vậy. Người khác phụ họa. Có thể là nhóm lính đã đụng độ với bộ đội ở Chợ Cồn. Tụi nó tức mình nên bắn mấy người chỉ huy không chừng. …Mẹ nó! Trả thù kiểu này hèn quá!

- Suỵt! Nói nhỏ một chút đi! Bộ muốn tụi nó tóm cổ hả?! Người phụ nữ vừa nói vừa chỉ tay ra đường.

Lại một đám nón cối đang đi ngang qua, nhưng ngoài một vài người mang AK thì số còn lại đeo cặp da nhỏ gọn, viết cài trên túi áo và trên tay thì xách máy radio transistor mà họ gọi là cái “ đài “. Họ vừa đi vừa nói chuyện, chỉ trỏ qua lại, thái độ giống như những kẻ nhàn lãm mặc dù vài ánh mắt dò xét đã không quên đảo một vòng vào quán.

Trên đường trở về chỗ hẹn với Phú, tôi đột nhiên không còn hứng thú về chuyện tìm ghe ra biển. Muộn rồi. Biết bao người vùi thây trong những ngày đầu trốn chạy. Và không biết bao nhiêu người khác cũng đã và đang hoài công, phí của trong mấy hôm nay. Ban ngày còn dễ hòa lẫn vào đám đông. Ban đêm là thế giới của những đôi mắt cáo. Phương tiện không có. Quyền lực nằm trong tay họ. Có chạy đôn chạy đáo thì cũng chỉ tay không trở về và tinh thần càng thêm tổn thương.

Khi tôi nói với Ý về những suy nghĩ đó thì bạn gạt phăng:

- Biệt Động Quân gì mà yếu xìu vậy!? Mình không thử thời vận thì làm sao biết có làm được hay không. Mới đây còn hăng lắm. Sao bây giờ …A! Hay là sợ bị tụi nó thọc huyết như lời đám người đó nói?! ĐM! Tao không tin đâu. Chưa biết chừng là đám cò mồi đấy. Mày lạng quạng xía vào là tụi nó vớt đẹp ngay.

Thấy tôi im lặng, “ Cắc Kè Bông “ vỗ vào túi quần, dịu giọng nói tiếp:

- Tao có “ mượn đỡ “ một xấp của cậu mợ thằng Tiến. Mình có tiền. Xài phí thì uổng. Lo cho vụ này là phải đạo thôi.

Tôi vẫn im lặng cho tới khi về đến Trần Cao Vân. Chờ không bao lâu thì Phú đến một mình trên chiếc Honda SS67. Ba người tụ lại không tiện. Nhứt là nơi ngả tư đông dân. Nên tôi lãng đi chỗ khác. Hai thầy trò Trinh Sát bàn tính gì đó thật nhanh rồi Phú vọt đi. Một thoáng sau Ý đến ngang tôi, vừa đi vừa nói.

- Thằng Phú không mượn được xe ai khác ngoài chiếc của anh rể nó. Muốn đi thì một trong hai đứa mình thôi. Nó không dám chở ba vì sợ bị chú ‎y’. Tao cho mày quyết định. Mau lên. Nó đang chờ kìa!

- Đúng nghề của mày thì mày nên đi mới phải. Tao chờ ở dãy cà phê Diên Hồng, góc Ty Thông Tin, cho dễ tìm nhau. Đưa chìa khóa đây. Tới 7 giờ tối mà không thấy mày thì tao về “ nhà “ trước.

- Nhận rõ! Nói xong là anh chàng nhảy lên xe, vỗ vai Phú ra hiệu cho xe chạy.

Tôi phân vân không biết làm gì cho qua buổi chiều. Định quay lại nhà Trần Hiền thì chợt nghĩ tới người bạn trên đường Nguyễn Hoàng nên tôi đổi hướng đi về phía Cầu Vồng. Căn nhà số 47 vẫn im lìm tắm nắng. Đang lưỡng lự trước cổng thì có tiếng gọi tên tôi và Võ Đại Quảng bước ra thật nhanh, trước khi tôi dợm bước đi. Anh bạn khóa 5/72B Đồng Đế hốc hác thấy rõ. Bạn cho biết có thấy tôi xớ rớ trước cổng ngày hôm qua, nhưng ngại đông người nên không mở cửa. Quảng hỏi thăm tình hình các nơi và nói thật là chỉ mới dám bước chân ra khỏi nhà hồi sáng nay thôi.

- Anh rể tao gốc di cư nên càng sợ chúng nó tóm. Quảng thở dài. Mấy hôm nay chị Nhạn và nhỏ em út gồng hết mọi chuyện. Mãi đến sáng nay anh Dũng và tao mới ló mặt ra ngoài một chút để tìm mua thuốc lá.

Sau đó chúng tôi ngồi kể cho nhau nghe những gì xảy ra trong những ngày đen tối đã qua. Khi nghe tôi nói đang cố tìm ghe hay phương tiện nào đó để vọt ra khơi thì Quảng lắc đầu ngao ngán.

- Hết cách rồi! Làm gì còn ghe mà kiếm với tìm! Mấy ông không có hy vọng gì đâu. Cải trang làm thường dân, bám xe hàng thì họa may. Nhưng tao sợ đám lấy điểm cũng như tụi nằm vùng sẽ phát giác ra dễ dàng vì tụi nó cũng sống như mình nên biết hết mọi thứ trên đời. Đám chó săn này mới thật sự nguy hiểm. Chứ còn bọn nhóc con từ ngoài bắc mới vào thì biết quái gì.

Tôi ngồi im lặng gật đầu. Rủ Quảng đi một vòng thì bạn lắc đầu, nói là đang coi nhà cho bà chị và ông anh rể chạy đi tìm mua gạo và thực phẩm khô. Bạn muốn giữ tôi ở lại nhưng tôi từ chối và hẹn sáng ngày mai sẽ cùng trở lại với Ý để những người đồng cảnh ngộ có dịp quen biết nhau. Chúng tôi chia tay trong thinh lặng. Cái siết tay đã nói thay lời.

19H00- Tôi đảo mấy vòng quanh khu vực Ty Thông Tin và xinê Trưng Vương sau khi ngồi nhâm nhi cà phê cả giờ đồng hồ trước đó. Tiếng loa phát thanh buổi chiều cũng vừa lên giọng lãi nhãi những tin tức đầy tính cách tuyên truyền thật nhàm chán, xen kẽ với những bài hát sặc mùi cộng sản hay nâng bi lãnh tụ. Đã mấy vòng quanh Trưng Vương mà vẫn chưa thấy tăm hơi “ Cắc Kè Bông “ đâu cả. Về “ nhà “ một mình thì không chịu nổi sự thênh thang của ba tầng lầu, nên tôi thả dài về phía nhà thờ chánh tòa. Đứng bên kia đường, nguyện vài câu kinh, nhìn cửa đóng im lìm mà thêm buồn vì cảnh lạnh vắng của giáo đường.

Đang thầm lo và sốt ruột vì Ý thì chợt thấy hắn chậm rãi bước về phía tôi. Tôi băng qua đường lúc chỉ lác đác vài người qua lại trước “ nhà “, và mở khóa cửa rồi lách vào thật nhanh. Cửa khép hờ không bao lâu thì “ Cắc Kè Bông “ cũng luồn vào và đóng cửa lại hầu như chỉ cùng một động tác.

Chúng tôi ra sau bếp mới bật đèn. Chưa kịp hỏi thì bạn đã nhoài người rơi xuống salon. Sau một tiếng chưởi thề thật ngọt, bạn kể:

- Mày nói đúng! Chỉ hoài công vô ích mà thôi. Khu vực Nam Ô cũng không khác gì nơi này. Chỉ là một bãi hoang tàn không hơn không kém. Ai nấy vẫn còn đang chộn rộn vì chuyện chạy đi rồi chạy về. Còn dưới bãi, trên bờ thì toàn là nón cối. Đi tới đâu cũng bị những cặp mắt dò xét, e dè, nghi ngại đủ thứ. Tính ra Liên Chiểu nhưng tao nản lòng quá. Nam Ô rộng lớn như vậy mà còn không có chút đầu mối huống chi làng Liên Chiểu nhỏ xíu. Làm gì có tàu bè mà hòng dọ hỏi. Nhưng có chạy một vòng như thế mới hay là hình như tất cả xe đò đều bị tụi nó trưng dụng để chở nón cối. Không thấy chiếc nào đón hành khách cả. Còn xe hàng, xe tải thì cũng chạy lai rai trên quốc lộ. Theo tao thì đường bộ dễ thóat hơn. Nhưng không biết ra khỏi tỉnh thì thế nào. Bận về có ghé qua Phú Lộc. Nhìn không ra hậu cứ của mình nữa. Mới mấy ngày mà vắng vẻ gì đâu. Khu gia binh trống trơn còn dãy nhà của Liên Đoàn thì đầy nón cối. Chán quá chừng! Mình đúng là thú nằm trong rọ rồi!

Bạn vừa kể xong thì bên ngoài có tiếng phóng thanh di động kêu gọi Sĩ Quan Quân Đội Sài Gòn 8 giờ sáng ngày mai đến Quận Nhứt trình diện với “ Uỷ Ban Quân Quản thành phố Đà Nẵng “. Chúng tôi nhìn nhau lo lắng. Họ muốn gì đây!? Chiếc xe đảo qua đảo lại cả buổi tối để phát lời kêu gọi trình diện làm chúng tôi rầu rĩ bỏ cả cơm tối. Đã vậy, nguồn tin nghe được từ BBC lại mang đầy tính chất bi quan khi họ loan báo chiến trường đã về tới Dục Mỹ, và Nha Trang đang có nguy cơ bị bao vây. Còn chánh phủ thì đang rối rắm trong việc tái phối trí Quân Đội cho phù hợp với tình tình chiến sự.

Có nghĩa là SàiGòn chấp nhận bỏ hai vùng Chiến Thuật và những ai ở vào hoàn cảnh như chúng tôi đã trở thành tù nhân bị giam lỏng và số phận thì tùy thuộc vào sự quyết định của những kẻ chiến thắng và cũng là những con vẹt khoác lác có vũ khí trên tay. Đêm buồn nên dài như vô tận. Cách lãng quên đời hữu hiệu nhứt vẫn là men cay và khói thuốc. Tới đâu hay tới đó. Biết sao hơn bây giờ!

THỨ TƯ 02-04-1975. 8H00
Gần sáng mới chợp mắt được một chút. Thức dậy sớm là nhờ loa phát thanh buổi sáng của khu phố và tiếng xe phát thanh lưu động nhắc lại lời kêu gọi trình diện. Mì gói cho chắc bụng, cà phê thuốc lá cho tỉnh táo là vọt ngay đến nơi tập trung.

Đúng giờ nhưng lại trễ vì đã có rất nhiều người có mặt ngòai cổng của Ty Cảnh Sát Quận Nhứt từ lúc nào không biết. Lại một thoáng bùi ngùi khi nhìn những gương mặt xanh xao đang cố gượng cười để chào đón nhau. Mọi người ngồi xổm dưới đất, che kín cổng ra vào và lề đường. Từng đợt người tự giác sắp xếp theo thứ tự trước sau, không cần đến sự chỉ dẫn hay ra lệnh của những chiếc nón tai bèo đang giữ an ninh trật tự chung quanh và ngay trước cổng. Chúng tôi lóng ngóng tìm những sĩ quan của Liên Đoàn nhưng không thấy, hay không thể nhận ra ai trong những bộ đồ dân sự đang ngồi la liệt dưới đất. Đã quá quen mắt với bộ quân phục nên tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn những mái tóc ba phân của lính trong bộ quần áo thường dân. Đông quá! Không thể nhận ra ai từ phía sau lưng và từ một khoảng cách cũng khá xa. Đành ngồi tại chổ rồi nhích dần về phía trước.

- Đồng chí ơi! Cho vào nhiều hơn nữa được không. Chờ lâu ngoài nắng cực khổ quá!

Một người, có lẽ muốn pha trò để phá tan không khí nặng nề, đã lên tiếng hỏi một nữ du kích hay dân quân gì đó đang ôm AK đứng làm nhiệm vụ đóng và mở cổng cho từng đợt người vào. Người đàn bà trẻ, rất trẻ, đã không bỏ lỡ cơ hội quắt mắt và xẳng giọng “ lên lớp “ anh ta cùng mọi người.

- Ai là đồng chí của mấy anh!? Đừng hòng nằm mơ! Mấy chục năm nữa cũng không ai xứng đáng là đồng chí với cách mạng đâu.

Ai nấy im lặng gầm mặt xuống. Lời cợt đùa không đúng chỗ, chẳng đúng lúc của anh bạn đã tạo cơ hội cho cô “ khăn rằn “ hằn học nhắc tới vị thế của người Lính miền Nam trong hoàn cảnh mới. Nhìn quanh mà thấy tủi nhục cho mấy “ quan “ lớn, nhỏ. Mới đó mà đã xuống tận cùng bằng số của đời lính bại trận bất đắc dĩ và đang phải ngoan ngoãn nhích từng tấc đất để tiến dần tới cổng sắt.

Rồi cũng đến lượt Nguyễn Văn Ý và tôi được cho vào. Căn phòng rộng, kê nhiều bàn giấy. Tại mỗi bàn có một cán bộ ngồi hỏi và ghi chép. Tôi được đưa tới gặp một người đã đứng tuổi, đầu trần, nón cối để trên bàn, cạnh đó là một gói thuốc lá và hộp quẹt loại giựt nắp ra rồi đậy trở lại. Ông ta rút một tờ giấy, đặt lên cuốn sổ rồi mới chằm chằm nhìn tôi ra câu hỏi. Thủ tục “ hỏi cung “ ngắn gọn và đơn giản. Chỉ xoay quanh chi tiết cá nhân, đặc biệt là cấp bậc và chức vụ tại đon vị sau cùng. Hơn hai giờ dang nắng chờ đợi nhưng chỉ chừng mười lăm, hai mươi phút thẩm vấn là xong.

Tôi đứng ngay cổng sau chờ “ cắc kè bông “ vì khi tôi đi ra thì vẫn còn thấy hắn còn ngồi “ làm việc “ tại dãy bàn gần bên. Cầm tấm giấy “ Chứng Nhận Đã Đăng Ky’ “ với Uỷ Ban Quân Quản Thành Phố Đà Nẵng mà thấy yên tâm phần nào. Ít ra cũng có lá bùa chống lưng để không bị làm khó dễ. Xớ rớ một hồi là thấy anh bạn Trinh Sát tà tà ra cổng.

- Mày có bị “ quay “ gì không? Ý hỏi trước.

- Không. Nó chỉ thắc mắc là sao không còn giấy tờ gì hết. Tao nói không tin thì thôi. Không lẽ tự nhiên chui đầu vào đây làm chi cho khổ thân. Tao nghĩ là tụi nó sợ mình dấu cấp bậc hay chức vụ chánh thức. Còn mày?

- Mẹ! Thằng đó hỏi tao lung tung chuyện. Thì ra là một thằng “ nhảy núi “ vùng Duy Xuyên nên nó biết nhiều chuyện về Liên Đoàn của mình lắm. Nhưng rồi cũng xong. Bây giờ mình về ngủ cho khỏe rồi nhậu xả láng. Tao nghi sắp có chuyện gì rồi đó.

Tôi gật đầu. Nhưng thay vì về “ nhà “ chúng tôi ghé về chiếc quán bên Cầu Vòng rồi sau đó ghé qua nhà Quảng. Lần này chị Nhạn tiếp chúng tôi và nói Quảng và anh Dũng cũng đi trình diện chưa về. Họ đi rất sớm. Tôi nói là đông lắm, không thể nhận ra ai với ai, trừ khi ngồi thật gần nhau lúc còn chờ đợi. Khi xong xuôi thì ai nấy đều muốn rút cho nhanh để khỏi nhìn cảnh không vui mắt của anh em cựu sĩ quan, và mớ dép râu, nón cối, AK đang làm chủ phố phường, và nhứt là cái Ty Cảnh Sát bề thế đó.

Chúng tôi từ giả chị Nhạn và hẹn chiều sẽ trở lại. Câu chuyện trao đổi với nhau từ Nguyễn Hoàng về Độc Lập cũng chỉ xoay quanh chuyện lính tráng miền nam hiện còn bao nhiêu người đang kẹt lại. Nhiều lắm! Vậy mà bây giờ không biết ai là ai. Còn các “ quan “ thì cú rũ như con gà mắc mưa, như cá lia thia mất màu ôm sọc dưa bơi lòng vòng khi bị phùng mang hù dọa.

Vì tương lai vô định nên ngày dài thê lương. Không lẽ ngồi quán, hay long nhong ngoài đường hoài nên tôi định rủ “ cắc kè bông “ thả một vòng tìm nhà các bạn học Đà Lạt của tôi, nhưng anh bạn đòi về “ nhà “ nhậu nên kéo tôi trở lại Nguyễn Thái Học tìm mấy món đưa cay khoái khẩu của anh chàng. Biết bạn cần lãng quên đời và mình cũng không khá hơn chút nào nên tôi cũng theo hắn gom một mớ thuốc lá để dành đó.

Chúng tôi cụng ly trong im lặng. Mỗi người một tâm trạng. Nguyễn Văn Ý càng uống càng văng tục trống không. Phần tôi thì cứ nghĩ đến gia đình và người thân rồi lại lo cho tình cảnh trước mắt hơn là bám vào y’ định đào thoát như trước đây. Nghĩ lại mới hay tôi đã thầm bỏ cuộc khi có vẻ mừng rơn lúc tóm được mảnh giấy chứng nhận đã trình diện chánh quyền mới. Không dám nghĩ xa cho tương lai nên yên thân được ngày nào hay ngày đó. Những dự tính xuôi nam hay vượt biển chỉ trong một ngày đã tan biến đâu mất. Trạng thái buông xuôi và phó mặc cho số mạng càng ngày càng rõ nét trong đầu.

- Mày nghĩ gì mà ngồi thừ người như thế? Ý bất chợt hỏi tôi.

- Bâng quơ này nọ vậy thôi. Tao nhớ Sài Gòn. Tôi chỉ nói một phần suy nghĩ của mình.

- Tao cũng thế. Ba mẹ tao chắc đang lo lắng ghê lắm. Bạn thở dài. Buồn bã.

Câu chuyện sau đó trở thành những thở than cho số phận của chúng tôi và những người đồng cảnh ngộ. Phải chi vẫn còn hậu thuẫn của đồng minh thì có lẽ đã không ra nông nỗi. Thiếu úy quèn như chúng tôi thì không thể biết nhiều hay hiểu rộng nhưng cũng thấy được sự thật là chúng tôi không bại trận mà chỉ tự động buông vũ khí đồng loạt. Chính vì vậy sáng nay, gã cán bộ có nhiệm vụ cấp giấy tờ đã có nói tới hai chữ Tàn Binh khi đề cập tới những sĩ quan trình diện tại quận Nhứt. Và dĩ nhiên anh ta không bỏ qua cơ hội khoe mình là kẻ chiến thắng qua danh xưng “ Cách Mạng “.

“ Cách Mạng “ đã về thành. Còn Tàn Binh thì đang ở đâu? Trong số cả trăm ngàn quân nhân vùng Một chắc chắn có không dưới vài chục ngàn đã dồn về Đà Nẵng và số đông vẫn còn kẹt lại cả tuần nay. Họ đang ở đâu? Quan thì đang lần lượt ra trình diện. Còn lính thì sao? Những đồng đội gốc Sài Gòn của chúng tôi đang làm gì? Những gia đình trong các trại gia binh đã ra sao? Có được bao nhiêu người dắt díu nhau tìm về cố quận. Còn bao nhiêu gia đình tứ cố vô thân. Bao nhiêu đứa “ Con Bà Phước “ như chúng tôi đang lạc lõng khắp nơi. Bất giác tôi nghĩ đến chị Hương. Tôi còn nợ chị và anh Vũ Thành Công một mối ân tình chưa trả được. Hôm lộn xộn dưới bến phà, tôi đã xách súng lang thang một vòng rồi lạc luôn chị. Thương cho chị quá đỗi. Thân góa phụ đơn chiếc. Chồng mất xác tại Quảng Tín. Căn nhà trong trại gia binh chắc chắn chỉ còn bốn bức tường. Đường về Hố Nai thì dịu vợi. Nỗi đau đớn cùng cực không có lời diễn đạt. Thương anh chị quá Chị Hương ơi, anh Công ơi!

Và còn nữa. Ơi các Anh, các Bạn: những chiến hữu và đồng đội cùng những đứa em đã nằm xuống cho tôi được sống! Tôi nợ các Anh, các Bạn nhiều lắm. Món nợ máu xương của những ngày chinh chiến vừa qua. Tâm, Bình, Thanh, Tùng, Cẩm, Tú, Đặng Tri, Lê Văn Hữu, Lễ, Quang, Thông, Hoàng, Huệ, Hổ, Vạn, Công, Giáp, Minh, Y Biếc…và còn ai nữa không hỡi những anh linh tử sĩ trong quãng đời trung đội trưởng thật ngắn ngủi của tôi!? Xin hãy nhận nén hương lòng trong thoáng buồn bất chợt hôm nay. Một nỗi buồn pha lẫn nhục nhằn của thân phận cá chậu chim lồng ngay trên phần đất mà ngày xưa chúng ta đã một thời ngang dọc. Buồn quá! Thật là buồn quá đỗi!

23H00- Khi tôi choàng tỉnh thì không thấy “ Cắc Kè Bông “. Nhìn lại mới hay là mình đang nằm trên giường của gia chủ ở lầu một. Tôi ra hành lang nhìn xuống nhà bếp và phòng khách thì không thấy ánh đèn nên trở lên lầu hai rồi sân thượng. Vừa tới cửa là thấy ngay Ý đang ngồi tại cửa sổ, chân gác lên bàn. Chiếc radio cassette còn đang rè rè tiếng phát thanh gì đó nghe không rõ.

Tôi đến bên bạn, với tay lấy điếu thuốc trên bàn. Đến lúc này mới nhận ra hai mắt của bạn đỏ hoe. Hắn khóc! “ Yên Bái ” đang rơi lệ. Vì sao?! Tôi chưa kịp hỏi thì bạn nhoài người bật lửa cho tôi rồi cất giọng buồn bã.

- Khánh Dương và Dục Mỹ đã mất. Nha Trang đã di tản. Ông Thiệu cho dàn quân tại Phan Rang chờ tụi nó. Tin của BBC.

Tôi thừ người, lại rơi vào trũng buồn của suy tư. Vậy là Dục Mỹ và Đồng Đế của chúng tôi sẽ bị chúng nó san thành bình địa ngay. Hai chiếc nôi nuôi dưỡng sức sống của Quân Đội và Binh Chủng Mũ Nâu đã không còn. Thật buồn chán gì đâu. Bạn im lặng hồi lâu rồi chợt mĩm cười.

- Xuống tắm rửa đi cha nội. Mày ói mửa tùm lum. Lảm nhảm đủ thứ. Biệt Động Quân gì mà yếu xìu! Mấy hớp bách nhật cũng chịu không nỗi. Nhậu với mày chán quá đi!

Biết bạn đùa, tôi chỉ gượng cười im lặng. Nghĩ tới những gì bạn đang bận tâm thì tôi thấy lo lắng. Chỉ sợ hắn nghĩ bậy rồi làm bậy. Thấy tôi liếc nhìn hết túi áo đến túi quần, rồi đảo mắt tìm tòi trên bàn thì bạn hiểu.

- Đừng lo! Tao tặng cái trứng cút đó cho hà bá rồi.

- Hồi nào vậy?

- Hồi trưa này. Biển Nam Ô. Tao không nói xạo đâu. Mày lo tắm đi . Hôi như cú đấy.

Tôi xuống lầu, trong lòng bán tín bán nghi nhưng có phần nào an tâm. Lại sắp qua một ngày dài và tương lai thì đã lần hồi rõ nét. Chúng tôi đang ở trong một ngục tù bao la và xiềng xích còn đang ở dạng vô hình. Không thấy dấu hiệu ngược đãi khi chánh thức đối diện với “ kẻ chiến thắng “ tại quận Nhứt nhưng chắc chắn không thể tin bề ngoài tưởng chừng như rất bình lặng của mấy ngày nay. Họ đang có âm mưu gì không? Vì sao không cần biết chúng tôi đang ở đâu trong thành phố này!? Và trong đêm thao thức chúng tôi chỉ biết thở dài rồi lập lại điệp khúc “ Tới đâu hay tới đó “. Cứ biết mình còn sống cái đã!

THỨ NĂM 03-04-1975. 07H30
Tiếng đập cửa làm chúng tôi choàng dậy. Hồi hộp và hoang mang. Ai vậy!? Chỉ có tiếng đập mạnh vào cửa sắt. Không nghe rõ tiếng ai gọi. Khi chúng tôi rón rén xuống lầu, đến cửa ngoài thì không còn thấy ai cũng không nghe gì ngoài tiếng xe cộ và bộ hành qua lại. Tôi định mở cửa, ra ngòai xem sao nhưng “ Cắc Kè Bông “ cản lại.

- Không nên! Mở cửa là vọt luôn. Lóng nhóng lỡ như đám chó săn đó thấy thì rắc rối lắm. Cứ từ từ xem sao. Hy vọng là người nhà hay bà con của thằng Tiến. Nếu đúng thì thế nào họ cũng quay lại.

Chúng tôi trở lên lầu bàn tính một hồi rồi quyết định ra khỏi nhà, đảo một vòng xa xa, đứng ở hai đầu đường nhìn lại và chờ xem có phải là đám chỉ điểm đang giở trò hay đó là người thân của gia chủ vừa ghé qua. Nhưng không thấy gì khả nghi sau cả tiếng xớ rớ bên kia đường. Nhìn chung thì vẫn còn khá nhiều nhà đóng kín cửa. Vài tiệm buôn, cửa hiệu chỉ mới gượng gạo bày hàng cho có lệ. Dòng người vẫn ngược xuôi theo nhịp tiến triển rề rà của một ngày sinh hoạt. Không có ai đừng lại trước “ nhà “, cũng không thấy nhóm dân quân hay nón cối nào kéo nhau đi xét hỏi. Vậy những người ban nãy là ai? Sau cùng, chúng tôi bỏ cuộc và thả một vòng tìm quán ngồi giết thì giờ.

Vẫn là những cảm giác trống rỗng khi lang thang qua những con đường quen thuộc. Sau mấy ngày “ dị ứng “ với chiếc nón cối và đôi dép râu, chúng tôi cảm thấy lần hồi quen mắt với hình ảnh của những màu kaki Nam Định trên đường phố Đà Nẵng. Rõ ràng là họ mới thấy phố thị lần đầu. Dù cố gắng không để lộ tình cảm, nhưng ánh mắt và dáng điệu đã cho thấy đây là lần đầu họ chứng kiến tận mắt cảnh phồn hoa đô hội của miền Nam.

Đà Nẵng đang gượng dậy để sinh tồn mặc dù tương lai vẫn vô định. Giữa những tiếng phát thanh có tính cách tuyên truyền nhiều hơn là thời sự, đã có những lời kêu gọi bình thường hóa sinh hoạt về mọi mặt. Nhưng điển hình nhứt vẫn là kinh tế hằng ngày. Con người vốn thích ứng với hoàn cảnh nên đó đây đã thấy cảnh hỏi han, mời mọc, chào hàng cùng những họat cảnh quen thuộc tại những khu thương mãi, đặc biệt là Chợ Cồn.

13H00.
Đi mãi cũng chán nên tôi rủ “ Cắc Kè Bông “ xuống Nguyễn Hoàng như lời đã hứa với chị Nhạn hôm qua. Nhưng khi tới nhà Võ Đại Quảng thì “ Cắc Kè Bông “ lắc đầu nói là muốn về Tam Tòa tìm Phú “ Tao muốn biết thêm tin tức của đám Trinh Sát và nhậu với thằng Phú một bữa cho đã. “ Chúng tôi chia tay sau lời hẹn của Ý là sẽ quay lại tìm tôi vào buổi chiều.

Quảng giới thiệu tôi với người anh rể và sau vài câu chuyện xã giao với viên Trung úy thuộc phòng Hành Chánh Tài Chánh của Tiểu Khu là tôi theo bạn về phòng. Chúng tôi nghe nhạc trong thinh lặng, thỉnh thoảng lại kể vài câu chuyện của mỗi đứa lúc còn ở đơn vị. Sau đó là những câu đoán già đoán non về Trần Hiền và những ai đã may mắn thóat khỏi Đà Nẵng. Rồi đến những âu lo, thấp thỏm ngày đêm về hiện tình xã hội và thân phận của những người lính miền Nam.

Nếu đúng như lời của các đài BBC, VOA loan báo thì bộ đội bắc việt đang lo tập trung quân để lấn dần xuống phía nam. Vậy nón cối từ đâu ra mà vẫn thấy đi đầy đường!? Sau cùng chúng tôi nhận ra được sự thật phũ phàng là hiện nay Đà Nẵng đang nằm trong tay của đám nằm vùng, cùng với mớ du kích “ nhảy núi “ và dân quân của những vùng quê lân cận. Chủ lực quân và bộ đội chính quy dấu mặt nơi nào không rõ. Hay có thể họ chỉ lo bảo vệ vòng ngoài còn bên trong là để đám địa phương lo mọi chuyện. Như vậy mới phù hợp với chiêu bài “ Mặt Trận Giải Phóng “ đang cùng nhân dân lật đổ chế độ “ Mỹ Ngụy “ . Càng nghĩ càng thấy buồn nản, chán chường khi quyền lực đã nằm trong tay kẻ địch. Đành là chúng tôi vẫn còn sống nhưng là sống trong tâm trạng của cá nằm trên thớt. Không biết ngày mai sẽ ra sao. Không thấy chút ánh sáng nào ở cuối đường hầm. Và ngày đêm cứ nơm nớp lo sợ không biết lúc nào sẽ có tiếng gõ cửa, gọi tên mình.

- Đã xảy ra rồi! Quảng thở dài. Dễ gì đám khốn nạn đó bỏ qua cơ hội đi đến từng nhà “ hỏi thăm sức khỏe “ tụi mình. Chị Nhạn nói là lúc anh Dũng và tao vừa đi trình diện không bao lâu thì mấy thằng đeo băng đỏ đã xuất hiện ngay trước cửa rồi. Rõ ràng là khủng bố tinh thần chứ còn gì nữa.

Nằm nghe nhạc mãi cũng phát chán nên tôi rủ Quảng thả một vòng cho vơi bớt cảm giác bị tù túng, và quên luôn lời hẹn với Nguyễn Văn Ý hồi trưa. Những bước chân vô định dẫn chúng tôi về ngang những đường phố chính để thấy những suy luận vừa qua là đúng. Đa số những gương mặt gọi là “ cách mạng “ mà chúng tôi gặp trên đường đều đội mũ tai bèo. Và những kẻ đội nón cối mang dép râu thì không có đến một bộ quân phục cho tươm tất: áo thì màu cháo lòng còn quần mang màu xanh ngụy trang rất lạ mắt. Tan hàng và tự động buông vũ khí để nộp mạng cho đám quân ô hợp này thật là nhục nhã gì đâu!

Lòng vòng một hồi mới hay đã ra tới Độc Lập.Tôi chỉ cho Quảng ngôi nhà mà Ý và tôi tá túc mấy ngày nay thì bạn reo lên:

- Tao biết người trong nhà này. Thằng Mạnh học chung với tao ở Phan Chu Trinh. Tao ở lại lớp, còn nó vào Sài Gòn học Khoa học. Mới hồi Tết nó có về thăm nhà. Mấy anh em đứa nào cũng học rất giỏi. Ba nó quen lớn vì là thầu khoán nên chắc chắn là vọt được rồi.

Tôi chưa hết ngạc nhiên thì từ bên trong có người mở cửa. Là Tiến! Đứa em bạn vừa lách ra ngoài theo sau là hai người một nam, một nữ. Trên tay mỗi người là một túi xách. Nhìn lại mới thấy ngay bên lề đã có hai chiếc xe gắn máy chờ sẵn. Bốn người, hai xe với túi và giỏ máng đầy trên tay lái, phóng đi thật nhanh. Tiến vừa quay vào thì tôi kéo Quảng lướt qua đường. Vừa mừng vừa ngạc nhiên, tôi hỏi nhanh:

- Trở lại đây lúc nào vậy Tiến?!

Đứa em bạn cũng mừng rỡ không kém, kéo ngay chúng tôi vào nhà, khóa nhanh cửa rồi cùng ra nhà sau ngồi hàn huyên.

- Em may mắn quá giang mấy bận xe hàng về tới Huế trong ngày. Cũng nhờ số tiền của mợ bỏ quên nên tha hồ chi đẹp. Thêm thẻ học sinh và mấy câu chào mừng cách mạng thành công là thoải mái qua các trạm kiểm soát an ninh. Đến nhà thì thấy mẹ và chị đã trở về trước. Thì ra bà cụ bị kẹt tại Truồi, ngã bệnh vì đuối sức. May nhờ người tốt bụng cho vào nhà nằm đỡ rồi sau đó cũng quá giang xe về lại Huế. Thấy em về thì mẹ mừng lắm, nhưng mẹ hối em trở vào ngay để tìm bà con của mợ. Mẹ nói bất cứ giá nào cũng phải giữ căn nhà. Biện pháp tốt nhất là phải có người vào ở cái đã. Sau đó cứ nói là mất tờ khai gia đình. Rồi tới đâu thì tới. Dù sao cũng ở ngay thành phố lớn. Họ không dám làm bậy đâu. Mẹ nói là nói vậy chứ còn người em và cháu của mợ khi nãy thì sợ không dám giữ nhà nên cùng bàn với nhau là có cái gì quí giá thì lấy đi trước. Nếu cần thì bỏ nhà trống cho tụi nó tịch thu. Vì thế từ trưa tới giờ đã chuyển được mấy bận rồi. Em của mợ nói là sáng nay hai vợ chồng có ghé qua gọi cửa cầu may. Nhưng không thấy gì nên bỏ đi, không dám ở lại lâu vì sợ bị dòm ngó hay bị tụi nằm vùng bắt gặp. Chỉ cần nó nghi ngờ hay vu cáo mình là dân hôi của là đủ tàn đời. Em của mợ nói như thế đấy. Còn bây giờ thì cứ hốt đại vài món rồi tính sau. Ngày mai, hay cùng lắm là mốt thì em sẽ trở ra Huế. Căn nhà này để cho em của mợ lo liệu.

Tôi biết đã đến lúc không nên ở lại nơi này nên lên lầu gom mấy gói thuốc lá còn lại, chọn thêm một bộ quần áo còn khá tốt rồi dặn dò Tiến cho Ý biết tôi đang ở với Quảng nếu hắn có về đây tìm tôi. Tiến muốn tôi ở lại trông nhà nhưng tôi nói nên thuyết phục người thân của gia chủ vẫn hơn. Chúng tôi quyến luyến chia tay nhau sau lời hẹn gặp tại chiếc quán quen thuộc trên đường Hùng Vương vào ngày mai nếu Tiến chưa trở ra Huế.

Trở về nhà Quảng thì vẫn không nghe nói có “ Cắc Kè Bông “ ghé lại tìm tôi. Có lẽ hắn còn nhậu hay đã xỉn tại nhà Phú hay đâu đó trong Tam Tòa rồi không chừng. Sau bữa cơm tối với Quảng và gia đình anh chị của bạn, tôi quyết định về nhà Trần Hiền. Còn căn nhà này đã có hai sĩ quan “ Ngụy “, thêm một người là thêm một nỗi lo bị đám địa phương dòm ngó. Sợ cộng sản quá nên đâm ra lo ngại đủ thứ, hay những câu chuyện gõ cửa xét nhà, chụp mũ, và trả thù vô tội vạ đã ám ảnh chúng tôi nên vô hình chung đã tạo một cảm giác phập phồng, hồi hộp mỗi lần nghĩ đến đám lấy điểm đang làm mưa làm gió trong từng khu phố?!

Sự niềm nở của mọi người trong nhà người đồng môn Khóa 8 Chánh Trị Kinh Doanh làm tôi có cảm giác như đang trở về với gia đình của mình. Trần Hiền vẫn bặt vô âm tín và cả nhà cũng hết cách truy tìm. Vẫn là những lời an ủi nhau để cùng hy vọng. Tôi lại trăn trở gần như cả đêm để nghĩ ngợi miên man về mọi thứ trên đời. Nhứt là quyết định vào tân cảng rạng sáng ngày 29-03 để rồi kẹt luôn tại đó thay vì theo các đàn anh chạy tìm phương tiện vượt biển. Có phải mình đã quá hèn kém tới mức chấp nhận hòan cảnh và hoàn toàn thụ động cả tuần qua thay vì bương chải đi tìm một lối thoát khi vẫn còn cơ hội!? Câu hỏi chập chờn theo vào giấc ngủ và câu trả lời hình như đã có sẵn từ lâu, chỉ tại dối lòng mà chối bỏ nó mà thôi.

THỨ SÁU 04-04- 1975.
Tôi choàng dậy khi có tiếng em rể Trần Hiền lay gọi. Chưa kịp hỏi thì Ngàn có vẻ lo lắng nói ngay.

- Anh ngủ như chết. Trưa rồi mà không thấy cục cựa nên mẹ nói em gọi anh dậy đó.

Đã hơn 12 giờ trưa! Giấc ngủ mệt nhoài làm tôi choáng váng khi xuống giường. Không được. Tôi nhủ thầm. Bạc nhược thế này thì tiêu đời là cái chắc. Khi ngồi vào bàn ăn mới thấy tỉnh táo lại đôi chút. Tôi nói không sao để trấn an những đôi mắt nhìn tôi, lo lắng. Nhưng cũng chỉ ăn cho có lệ rồi buông đũa góp lời bàn chuyện với cả nhà. Chừng nửa tiếng sau đó là tôi lại ra đường. Mục đích là trở lại căn nhà trên Độc Lập để tìm Tiến và Nguyễn Văn Ý.

Nhưng căn nhà nằm tắm nắng im lìm, và vì không dám gõ cửa nên tôi tần ngần đứng bên kia đường nhìn qua một hồi rồi mới vòng qua khu cà phê lộ thiên góc Hùng Vương,Yên Bái. Nhâm nhi cà phê, lóng nhóng tìm bóng dáng bạn và cả em Tiến trong số người qua lại mà cảm thấy trong lòng buồn bực gì đâu! Không thấy họ đâu và ngồi mãi cũng chán, nên tôi trả tiền rồi nhắm hướng Chợ Cồn thả chân đi. Đến góc Phan Chu Trinh thì thấy tiệm kiếng đối diện với xi nê Trưng Vương đã mở cửa lại, nên tôi ghé vào đặt mua một cặp kiếng cận để dành đó. Gía cả như muốn “ đụng nóc nhà “ nhưng tiền còn xài được thì cứ xài. Lo cho cặp mắt cái đã.

Lại không biết phải đi đâu. Lang thang trên phố thì chỉ thêm khó chịu khi nhìn ba mớ nón cối, dép râu, AK, nón tai bèo, nên tôi ghé Chợ Cồn mua thêm vài gói thuốc lá, vài gói trà, một mớ thực phẩm khô để “ góp gió “ với gia đình Trần Hiền rồi tạt qua Nguyễn Hoàng. Võ Đại Quảng đang sầu đời không muốn ra khỏi nhà nên mừng rỡ khi thấy tôi xuất hiện. Lần này chỉ có hút thuốc, uống trà, nghe nhạc. Không có lời trao đổi, bàn luận về bất cứ chuyện gì. Dù không thể lãng quên đời nhưng mấy tiếng đồng hồ nghe đi nghe lại những bản nhạc lính, nhạc tình cũng đủ để khỏa lấp hay đánh lừa phần nào tâm trạng rã rời của chúng tôi.

Chị Nhạn giữ lại ăn cơm nhưng tôi từ chối. Tôi muốn vào Tam Tòa tìm nhà Phú để hỏi về tin tức của “ Cắc Kè Bông” nhưng khi về đến nhà Trần Hiền thì nghe nói Ý có ghé tìm tôi và nhắn là sẽ trở lại ngày mai. Chút tin vui làm tôi an lòng và bữa cơm tối với gia đình bạn có phần ngon miệng hơn ban trưa. Tấm thạnh tình của mọi người trong những lúc này thật đẹp làm sao!

20h00- Chưa biết làm gì cho qua buổi tối thì anh Năm và anh Hải đã qua rủ Ngàn và tôi qua nhà nhậu và binh xập xám. Cũng chỉ là cái cớ để cho đầu óc bớt căng thẳng vì những ngày vô định sắp tới. Vài mẫu chuyện bâng quơ, vài câu trao đổi, dự đoán, suy diễn về tình hình chiến sự trong nam chưa kịp làm cho lòng vơi bớt não nề thì chị Hải từ trong phòng ra cho hay có tin của VOA và cả BBC loan báo Đà Lạt đã di tản và Phan Rang đang trở thành địa đầu giới tuyến.

Chúng tôi nhìn nhau im lặng, ngao ngán. Lại thấy buồn bực trong lòng. Vậy là cao nguyên coi như tặng không cho địch. Đà Lạt di tản có nghĩa là Bảo Lộc cũng sẽ tan hàng. Lính tép riu cũng có thể hình dung được gọng kềm của địch chỉ còn khoảng trên dưới 300km, và đang từ hướng tây và hướng bắc ép dần về Sài Gòn. Sẽ cầm cự được bao lâu. Có giải pháp nào không ? Và số phận của chúng tôi sẽ ra sao? Buồn quá!

Cuộc nhậu coi như dở dang nửa chừng. Xòng bài cũng không còn hứng để tập trung đầu óc. Chúng tôi chỉ biết ngồi bàn ra tán vào như đã từng làm trước đây để rồi tan hàng sớm hơn dự định. Khi trở về nhà, Ngàn vì thấy tôi buồn chán quá đổi nên gọi Thuận thức dậy pha cà phê ngồi bắt tôi kể chuyện Đà Lạt và đem ảnh của Trần Hiền ra xem với nhau. Thật là cảm động làm sao!

THỨ BẢY 05-04-1975 . 5H00
Chợp mắt chưa bao lâu thì đã nghe tiếng xe chạy và có người dùng loa phóng thanh loan báo lời kêu gọi của “Uỷ Ban Quân Quản “ : Yêu cầu các Sĩ Quan Quân Đội SàiGòn tập họp tại Ty Cảnh Sát Quận Nhứt để đi học tập cải tạo từ 7giờ tới 9 giờ sáng. Chiếc xe cứ thế mà đảo tới đảo lui nhiều vòng làm cả nhà thức dậy luôn tới sáng. Tôi đang ngồi uống trà với ba mẹ Trần Hiền và Ngàn thì anh Hải đã bước vào, nói ngay với tôi sau khi chào mọi người.

- Mình đi ngay cho kịp giờ. Chỉ có hai tiếng thôi. Cứ để cho tụi nó lãi nhãi đã đời. Chịu đựng cho xong rồi thả một vòng uống cà phê cũng còn sớm chán.

Ai nấy đều gật đầu tán đồng. Chúng tôi rời nhà trong cơn mát lạnh của buổi sáng không có ánh nắng. Trên đường từ Trần Cao Vân đến Cường Để có nhiều nhóm người đi cùng hướng với chúng tôi nhưng không ai bắt chuyện với ai. Khi đến nơi thì đã thấy có nhiều xe gắn máy và xe đạp dựng sẵn ngoài cổng và bên trong đã có khá đông người tụ tập trong sân cờ của Ty Cảnh Sát.

Đã 7 giờ sáng nhưng không thấy động tịnh gì cả. Khu văn phòng vẫn đóng kín cửa. Bên ngoài lác đác vài nhóm bộ đội tới lui canh gát, giữ an ninh trật tự và hướng dẫn những người đến sau vào trong sân ngồi theo hàng lối. Không có dấu hiệu của một cuộc “ lên lớp “. Thỉnh thoảng có vài cán bộ xuất hiện, chỉ trỏ, chụp hình, bàn tính gì đó rồi thôi.

Chúng tôi bắt đầu hoang mang và lo lắng khi ngồi chờ đã lâu mà không ai trong đám “ cách mạng “ nói năng gì về vụ học tập. Những câu chuyện hàn huyên, hỏi han, bàn tán xì xầm đã lắng dần lúc nào không biết. Lại trầm ngâm qua khói thuốc. Lại thấy bụng thắt lại từng hồi. Tâm trạng buồn nản đến mức không còn muốn ngẩng đầu tìm người quen như lúc mới đến. Sự chờ đợi nào cũng dài đăng đẳng, nhưng trong hòan cảnh này thì càng thêm bi đát và não lòng.

9H00- Chúng tôi giật mình vì bỗng nhiên còi hụ khắp nơi. Những hồi còi vang rền như tiếng báo động khẩn cấp.Và trên lô cốt của vọng gát bỗng xuất hiện những tên bộ đội trang bị úng ống đầy đủ. Phòng ốc đồng loạt mở cửa. Một toán bộ đội túa ra bao vòng sân cờ. Theo sau là những tên có vẻ là cán bộ cao cấp. Trong số này có một người cao lớn, da trắng, trông rất giống một gã Nga Sô. Có thể là một cố vấn không chừng. Còn đang sững sờ đến xanh mặt thì cổng chánh đã đuợc đóng lại, có bộ đội đứng chắn bên ngoài. Một số dân chúng tò mò định dừng lại xem thì bị quát tháo xua đuổi không tiếc lời, thậm chí có tiếng lên đạn.

Chưa kịp hoàn hồn thì xen kẽ trong tiếng còi hụ từng hồi là tiếng phát thanh lưu động bằng xe Lam và những phương tiện giao thông khác liên tục loan báo lệnh giới nghiêm trong toàn thành phố Đà Nẵng: Bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng cho đến khi có lệnh mới!
Không bao lâu sau, Đà Nẵng chìm trong im lặng. Lại là sự im lặng của khuất phục và chấp nhận. Bên ngoài chỉ có tiếng xe phát thanh. Bên trong vòng rào chỉ có tiếng dép râu qua lại. Mấy trăm người trong sân cờ ngồi im nín thở chờ tai họa.

Họ đang làm gì?! Đang âm mưu gì?! Tại sao phải giới nghiêm Đà Nẵng?! Còn đám bộ đội đang lăm le AK chỉa thẳng vào chúng tôi nữa. Tuy không thấy sát khí đằng đằng nhưng nhìn họng súng đã lên đạn cũng thấy lạnh mình, nhột gáy. Chúng nó đang khủng bố tinh thần mọi người. Tôi nhủ thầm và dặn lòng phải bình tĩnh dù đã bắt đầu thấy đắng cổ. Tay đốt thuốc đã thấy run run. Chắc chắn không phải vì cảm thấy đói.

12H00- Vẫn không có gì thay đổi ngoại trừ đám cán bộ đang xuất hiện mỗi ngày một đông. Không một lời nói. Không một câu tuyên bố. Mấy trăm người cũng ngồi yên phơi nắng và cúi mặt chịu đựng. Một số cần đi vệ sinh được cho vào bên trong, có nón cối kè súng dẫn vào. Lại hút thuốc để trấn áp nỗi lo lắng cùng cực. Đang lúc hoang mang thì bánh mì được mang ra cho mọi người cầm hơi với nước lã. Ăn cái đã! Rồi tới đâu thì tới! Chút bánh và nước làm tinh thần tỉnh táo đôi chút. Nhưng vẫn là sự chờ đợi đến nghẹt thở, khờ người.

14H00- Đến bây giờ mới có một cán bộ, chắc là cấp lớn vì có súng ngắn và chiếp cặp da đeo gọn gàng bên hông, cùng với mớ sổ sách hay giấy tờ gì đó trên tay, từ đám đông tách ra nói đại khái vài câu trấn an chúng tôi và cho biết là họ đang chờ gom góp phương tiện để chở chúng tôi đi đến một nơi khác. Giới nghiêm Đà Nẵng là ”… để cách mạng dễ dàng kiểm soát và đảm bảo an ninh cho các anh, đồng thời truy tìm những ai ngoan cố trốn tránh không chịu ra trình diện để đi cải tạo …”

Nghe xong câu nói và nhớ lại lời phóng thanh ban sáng thì chúng tôi mới vỡ lẽ mọi chuyện. Thì ra họ chơi chữ và chúng tôi ngây thơ nên cứ tưởng là chỉ học tập trong vòng có hai giờ đồng hồ mà thôi. Nhìn lại mới thấy thẹn lòng đến mức muốn độn thổ. Một số đông rầu rĩ lo lắng cho mớ xe cộ còn bỏ ngoài cổng. Số khác thì hối hận vì mặc áo quần, mang giày dép bảnh bao như dạo phố. Chỉ có một điều an ủi duy nhứt là biết chắc mình còn sống. Sống để chờ đợi một định phận nào đó đã dành sẵn cho mình.

17h00- Một đoàn Molotova, rồi cả xe vận tải dân sự chạy đến xếp hàng bên ngoài. Chúng tôi được chia ra từng toán ba, bốn mươi người tùy theo sức chứa của các loại xe. Kể từ giờ phút này trở đi chúng tôi không khác gì tù nhân ngoại trừ không đeo còng hay bị trói tay mà thôi và mọi cử động đều bị những cặp mắt cú vọ mang AK lườm lườm theo dõi thật sát.

Nhóm chúng tôi được chỉ định lên một chiếc xe hàng, loại vận tải hạng nặng có thùng xe bít bùng, ngộp thở. Bên trong có hai tên bộ đội, một ở sau ca bin tài xế và một ngay cạnh tấm bửng lên xuống. Cả hai còn rất trẻ, mặt lạnh lùng, mắt như muốn trợn trừng, nhìn quanh không chớp, AK cặp hông chĩa mũi xéo lên mui. Mọi người ngồi chen chúc trên sàn, ngoan ngoản chịu đựng trong im lặng.

Xe chuyển bánh trong cơn mưa giông bất chợt. Đà Nẵng giới nghiêm, phố phường vắng ngắt. Qua khe hở ti hí ngay cạnh chỗ ngồi, tôi chỉ nhìn được những khoảng lề nhòe nhoẹt lướt qua. Không thể định hướng rõ ràng nên chỉ đoán là đoàn xe đang rẽ qua Độc Lập. Đà Nẵng bị giới nghiêm nên không nhìn thấy đoàn con đang rời thành phố. Trời sầu. Đất thảm. Và con người thì buồn bã, cay đắng, âu lo. Bây giờ thì chỉ biết phó mặc cho số mạng và chấp nhận hoàn cảnh mà thôi.

Bất giác tôi nhìn qua anh Hải rồi chợt nhớ là từ sáng đến giờ không thấy Ý, Quảng và anh Dũng đâu cả. Họ đang ở đâu. Có mặt trong nhóm tù hay không? Nghĩ đến bạn rồi chạnh lòng nghĩ đến những đồng đội còn đang cầm cự với địch đâu đó trong chiến trường miền nam mà cảm thấy buồn vô hạn. Vài lời kinh nguyện chung cho họ và cho cả chúng tôi để tìm chút an bình và niềm tin để sắp sẵn cho những gì sắp xảy đến. Tương lai chưa biết sẽ thế nào. Còn hiện tại thì đen tối như đám mây mù đang trút nước. Trên xe hoàn toàn im lặng. Vẫn là thứ im lặng trong lo âu và sợ sệt của những kẻ không biết ngày mai sẽ ra sau. Thật là một ngày buồn đầy xót xa và tủi hận cho chúng tôi: những Sĩ Quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, những chiến sĩ trở thành tù nhân không phải vì bại trận mà chỉ vì thời cuộc đảo điên và vì thế cờ chánh trị đã đến giai đoạn kết thúc. Cũng đành vậy thôi!

HUY VĂN

( Thân tặng Thiếu úy Nguyễn Văn Ý, Thiếu úy Võ Đại Quảng, đồng đội, chiến hữu, cùng những em bạn thân quen, xa gần, để nhớ thành phố Đà Nẵng trong những ngày đầu thay đổi chế độ )

No comments: