Friday, October 2, 2009

Bình Thuận Quê Hương và Ân Tình


Bình Thuận trong tôi, quê hương với những ân tình không bao giờ nhạt phai và không thể nào quên, Bình Thuận không những là nơi chôn nhao, cắt rún của tôi, là nơi đã nuôi lớn khôn tôi, là vựa kỷ niệm của tuổi thơ tôi, mà còn là nơi tôi tiếp nhận những món nợ ân tình quí báu,
Tôi đã lớn lên từ những tháng ngày giung dăng giung dẻ ở động cát Mủi Né, tai nghe quen các lời ru mật ngọt của Mẹ chen lẫn vị ngọt dừa tươi, đến những cơn gió hiu hiu đợi Xuân sang, cùng nụ cười tươi của ngư phủ vui mừng vì trúng mùa cá nục. Bình Thuận cho tôi vị thơm ngon, mặn mà của nước mắm nhĩ, nước mắm cá cơm Mũi Né.
Tôi cũng nghe quen tiếng chuông chùa của những thời công phu sáng, tối và nhịp mõ, câu kinh đều đều của của phật tử trong làng. Tôi cũng nghe quen tai tiếng chuông đổ của nhà thờ trong xóm đạo. Hình ảnh thanh thiếu niên GĐPT đi chùa hay những cjiếc áo dài tha thướt trên xóm đạo vào mỗi Chủ Nhật cũng là những hình ảnh dễ thương và đáng nhớ. Bây giờ, những tiếng chuông chùa hay chuông nhà thờ có còn hay không, có thiêng liêng như trước hay không, hay chỉ là là những tiếng than van, ai oán. Những tà áo thướt tha mỗi Chủ Nhật có còn nên thơ nữa không?
Quê hương Bình Thuận đã tạo nên “tôi” với lời dạy dỗ của các Thầy Cô, từ trường Tiểu Học Thạch Long đến Trung Học Phan Bội Châu, bên cạnh lời dạy dỗ của Cha, của Mẹ. Tôi được học cách làm người. Tôi được học để trở thành công dân tốt bằng những bài học đầy nhân bản chứ không phải những bài học chính trị nhằm mục đích nhồi sọ như ngày nay, diễn ra chính trên quê hương yêu dấu của mình. Tôi được học để tự hào về lịch sử bốn ngàn năm văn hiến với gương anh hùng, liệt nử của các thời đại, từ thửơ phá giặc phương Bắc đến đắnh Tây, chống Nhật, hay lòng trung thành của tiền nhân, không kể họ đúng phía nào của các cuộc nội chiến, không học bẻ cong tầm nhìn về lịch sử theo chiều hướng của những người nắm quyền, không học về tiểu sử và càng không học ca tụng người nắm quyền và đặc biệt, không có một “đảng trị” để uốn nắn trẻ thơ. Chúng tôi được học về chữ hiếu _ hiếu với cha mẹ, ông bà. Chúng tôi được học làm con ngoan của cha mẹ và cháu ngoan của ông bà chứ không làm cháu ngoan cho một lãnh tụ nào khác. Chúng tôi học để tự chọn cho mình một tương lai, một lối sống. Và trong suy tư của riêng mình, mình có quyền chọn hay không một thần tượng cho mình. Không ai bắt buộc chúng tôi phải chọn một mẫu người nào đó là thần tượng cho cá nhân mình.
Tuổi thơ tôi thật hồn nhiên và đẹp đẽ như bình minh, mát mẻ như sương sớm. Tôi không có một lo nghĩ nào khác, ngoài việc học hành. Tôi có quyền suy tư và phát biểu những gì tôi muốn, tôi thích, tôi nghĩ. Tuổi thơ tôi thật sự êm đềm đúng nghĩa cho một trẻ em đang sống tại bất cứ một đất nước dân chủ nào, dù cường độ chiến tranh tại miền Nam lúc bấy giờ lên cao và những biến động cứ tiếp nối nhau. Tôi đã từng đọc báo, nghe thấy đủ mọi hướng, mọi phê bình nhưng không bao giờ chuyện thời sự làm xao động tâm hồn mới lớn.
Tại Bình Thuận, nói khác hơn là tại Mũi Né, trong thời kỳ còn thơ, tôi cũng đã từng chứng kiến những cái chết của người lính VNCH, đã từng thấy những cái chết của du kích Việt Cộng và dĩ nhiên, đó là chuyện người lớn, không ai bắt chúng tôi xen vào, không ai bắt chúng tôi suy nghĩ, không ai buộc chúng tôi hoan hô hay đã đảo người nào, bên nào, và dĩ nhiên, những cái chết ấy cũng không hề xáo động chúng tôi, ngoại trừ những trẻ thơ sống trong vùng có Việt Cộng kiểm soát. Ngay cả trong trận Tết Mậu Thân, nhà tôi ở tại đường Hải Thượng Lãn Ông, Phan Thiết, bị tàn phá, tôi đã chứng kiến cảnh người bạn cùng liên lớp, ở kế vách, là Phan Chưởng Lý, bị trúng đạn pháo kích của VC mà qua đời, chúng tôi hằng đêm phải đi tỵ nạn ở Cồn Chà, đời sống có một chút bất tiện, nhưng cũng không ai khuấy động tâm hồn của mình, không ai bắt chúng tôi đã đảo VC.
Tôi nhớ những chuyến xe đã đưa tôi đi từ Mũi Né đến Phan Thiết, qua Lại An, Kim Ngọc, Phú Long, về Phan Lý Chàm, Phan Rí Thành, Phan Rí Cửa, đến Duồng... Những chuyến xe đầy nụ cười tươi vui của khách hàng với cuộc sống trông êm đềm, hạnh phúc, không có dấu hiệu sợ hãi, không có dấu hiệu của cuộc sống vội vã trong chiến tranh, không tiềm tàng một cuộc sống khó khăn vì tham nhũng, hối lộ. Bạn hàng trên các chuyến xe không có những lo sợ bị cướp giựt bởi nhân viên công lực, cũng không có những lo lắng hay mệt mõi trong việc làm ăn như việc làm ăn dưới một chính quyền cướp giựt.
Tuổi thơ tôi ở Bình Thuận là thế đó. Sau này, khi lớn khôn hơn, khi trưởng thành hơn, tôi mới biết được rằng, sở dĩ tôi có một tuổi thơ trọn vẹn là nhờ vào một chính phủ dân chủ và tự do, dù rằng nền dân chủ ấy không tuyệt đối như các nước tân tiến ở thời bình; là nhờ vào sự hy sinh của những người lính VNCH; là nhờ vào một hệ thống chính quyền với nền giáo dục, y tế, thông tin ... tiến bộ. Dù miền Nam lúc ấy đang còn chiến tranh, nhưng xã hội lúc ấy chắc chắn hơn xa xã hội thời bình của các nước Cộng Sản, nhất là CSVN khi mà người dân lên tiếng chống ngoại xâm phương Bắc cũng bị cấm đoán.
Sống trong chế độ nào, người dân phải thi hành các nghĩa vụ trong chế độ đó. Tôi không phàn nàn việc người dân miền Bắc thi hành nghĩa vụ quân dịch, đi bộ đội, thì người dân miền Bắc XHCN cũng không nên phê bình việc chúng tôi tham gia hay thi hành nghĩa vụ quân sự ở miền Nam. Điều tôi phàn nàn là chính quyền miền Bắc xua bộ đội vào Nam, phá tan hạnh phúc mà chúng tôi có được, mà chúng tôi tự xây dựng lấy tại miền Nam. Với hai mươi năm xây dựng miền Nam trong chiến tranh, thành quả vẫn đa diện và trội hơn ba mươi năm CSVN nắm trọn vẹn đất nước trong thời bình.
Tôi không ngờ, quê hương đầy ân tình Bình Thuận đã có dịp cho tôi trả ơn bằng cách chính tôi phục vụ cho Bình Thuận.
Vâng, tôi đã bị động viên và thụ huấn tại Đồng Đế, Nha Trang khi phải dỡ dang việc học và phải xa rời “con đường Duy Tân cây dài bóng mát” và “Trả lại em yêu khung trời Đại Học” như trong lời nhạc của Phạm Duy năm nào.
Ngày chọn đơn vị, như bất cứ ai, ai cũng muốn về quê mình, cho dù tình hình tại đó sôi động cách mấy. Tôi tìm tên Bình Thuận trên danh sách, nhưng tôi không thấy chữ Bình Thuận đâu cả. Tôi đã phải chọn đi xa hơn, đi về Bạc Liêu. Sau này, tôi mới tìm cách xin thuyên chuyển về Bình Thuận vào cuối năm 1974. Điều đắng tiếc là thời gian tôi phục vụ cho Bình Thuận không lâu, chỉ vài tháng, chỉ vài tháng trước khi Bình Thuận, rồi cà miền Nam rơi vào tay người CS miền Bắc.
Tôi gọi “người CS miền Bắc” không phải không có lý do. Ngay khi chiếm được miền Nam, họ thay thế hầu như toàn bộ, để người CS miền Bắc nắm quyền điều hành, nghĩa là nắm đấu các cơ sở chính quyền. Cái gì lấy được trong miền Nam, họ đều chuyển về Bắc. Sự cai trị hôm nay giống như sự cai trị của một giống dân xa lạ cai trị đất nước thân yêu của mình.
Tôi về Bình Thuận, phục vụ trong Tiểu Đoàn 249/ĐPQ. Vì vết thương tôi chưa lành nên tôi chưa đi hành quân được và được bổ nhiệm làm Phụ Tá Ban 3, đóng quân ở Bình An, sau đó là Núi Tà Dôn và suýt chết vì mìn VC, phía bắc Núi Tà Dôn.
Tôi cũng có dịp cùng đơn vị về tái chiếm Phú Long trong những ngày Phú Long bị VC chiếm đóng. Tôi từng học và xem phim cảnh chiến tranh trong thành phố tại Đồng Đế. Nhận xét đầu tiên của tôi là chiến tranh trong thành phố kiểu Mỹ vừa hao đạn vừa không kể đến số phận địch và dân trong thành phố, hay nói khác đi, đó là chiến tranh kiểu nhà giàu, kiểu Mỹ. Đối với lính VNCH, địch của chúng ta vẫn là người VN nên chúng ta vừa tiết kiệm đạn, vừa tiết kiệm máu xương của hai bên và của đồng bào. Tiểu Đoàn chúng tôi với vị Tiểu Đoàn Trưởng gan dạ _ Đại Úy Huỳnh Văn Quý, đã chiến đấu và chiếm lại từng tất đất, đẩy lui VC qua bên kia bờ bắc của Quốc Lộ 1. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn vừa đặt ở đâu thì vài phút sau, pháo bay tới đó. Có lần, Đại Úy Quý một mình đi thám sát trận chiến với chiếc áo giáp. Ông ta bị bắn vào áo giáp nhưng không sao cả. Ông về lại Bộ Chỉ Huy Tiểu Đòan với sự lo lắng của mọi người, và hiển nhiên trước sự chứng kiến và thán phục của cá nhân tôi.
Chúng tôi đã tiến thật chậm, tiến theo từng tấc đất chiếm được, sử dụng hỏa lực trong tinh thần giữ gìn an toàn tài sản người dân và tiết kiệm máu xương. Anh Lê Sáu, dân Phú Long đã phê bình bài viết của tôi về trận Phú Long rằng tôi viết chưa đầy đủ lắm. Anh ta và người nhìn từ bên ngoài thấy chúng tôi chiến đấu như phim chiến tranh trong xi nê.
Đại Úy Quý bỗng nhiên trở thành thần tượng của tôi, một mẫu người chỉ huy tài ba và gan dạ.
Mấy ngày sau, tôi được gửi sang đồn Nghĩa Quân Phước Thiện Xuân với cây súng cối 81 ly và hai người lính. Tôi đã làm tròn nhiệm vụ yểm trợ Tiểu Đoàn bằng phương pháp chấm tọa độ nhanh và chính xác nhất theo kiến thức toán học tôi có từ những ngày ở Trung Học Phan Bội Châu.
Tới chiều 17/4/1975, súng cối tôi hết đạn, Trung Úy Ba ra lệnh tôi xếp càng súng, bỏ lên xe GMC biệt phái cho tôi và chờ lệnh. Ông ta kêu tôi đừng chạy trước. Tôi khẳng định với ông ta rằng tôi sẽ chết với Tiểu Đoàn, tôi sẽ chạy với Tiểu Đoàn mà thôi.
Đến tối, tôi nghe được tin báo từ một anh em ở cầu Phú Long rằng VC đã đến vị trí nhưng chưa ai khai hỏa, xin lệnh.
Tiểu Đoàn liên lạc với Tiểu Khu và được lệnh di tản về Mã Trái Bí (ám chỉ Lầu Ông Hoàng). Tiểu Đoàn di tản ngang qua Phước Thiện Xuân. Tôi chờ ở đó và tháp tùng với Tiểu Đoàn.
Ở giờ phút này. Tôi bổng thán phục người đồn trưởng Phước Thiện Xuân, người Nghĩa Quân anh dũng, quyết tử chiến, dù có phải chiến đấu trong cô đơn.
Tiểu Đoàn chúng tôi không còn liên lạc được với BCH Tiểu Khu Bình Thuận một khoảng thời gian. Đến khi liên lạc được, chúng tôi được chỉ thị về Mũi Né với Thiếu Tá Cao. Mũi Né bị bõ ngõ. Chúng tôi phải chạy bằng biển vào Long Hải để hy vọng tiếp tục chiến đấu.
Nhưng rồi, tình hình thay đổi nhanh, Tổng Thống Thiệu từ chức. Tôi trở lại Phan Thiết. Tôi trở lại Mũi Né. Rồi tôi bị đi đưa vào lao xá cũ và bị chuyển đến Cà Tót.
Tại đây, tôi gặp Thiếu Tá Thổ Thêm. Tôi quan sát ông ta. Tôi ngắm nhìn ông ta. Đây là lần đầu tien tôi trông thấy ông ta dù nghe những lời ca tụng về ông rất nhiều. Ông ta kìa. Một ông già điềm đạm. Một ông gìà bị “cùm” hai chân, bị cùm theo kiểu thời phong kiến. Ông không cưới. Ông không nói. Ông không buồn. Ông không giận. Ông không bất mãn ai. Mấy tên du kích đứng chưởi rũa ông. Ông vẫn thản nhiên. Tôi thán phục ông, thán phục tinh thần một dũng tướng “thà làm quỹ nước Nam”, thán phục tinh thần không cầu cạnh khi làm người ngã ngựa. Chính Thiếu Tá Thổ Thêm cho tôi một bài học ân tình về Bình Thuận mà tôi tự hào. Một vài ngày sau, tôi không còn gặp ông, không biết VC đưa về đâu.
Sau đó, sơn lam chướng khi đã giết nhiều anh em cải tạo chúng tôi. Một ngày, có một hoặc vài anh em bổng nhiên ngã ra chết. Chúng tôi chôn bạn mình với chiếc chiếu anh nằm làm áo quan. Chôn bạn bè, chiến hữu mình một cách thô sơ trong thầm lặng. Không ai nói lên được lời tưởng niệm. Im lặng lấp đất bạn mình. Chào trong im lặng. Chào trong nước mắt. Chúng tôi được chuyển về Sông Mao, hậu cứ Trung Đoàn 44, Sư Đơàn 23 cũ cho tới ngày được thả về.
Tôi được thả về, được tặng một câu nói của tinh thần XHCN: “... về địa phương, méo ba tròn bảy, các anh chấp hành mệnh lệnh của địa phương nếu các anh không muốn trở lại đây. Các anh phải biết im lặng và làm như điếc, như đui, như không biết gì cho dù vợ các anh bị bộ đội lấy”.
Khi trở về nhà, tôi nghe kể rằng cán bộ CS rất sợ đi ngang rừng lá. Họ đồn rằng ở đó có Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa và Đại Úy Mai Vi Thành. Lính của các ông này thường ra chận xe. Thế mới thấy tiếng tăm của anh hùng Bình Thuận.
Tôi trở về nhà. Tôi nhìn quê hương thân yêu trong ngỡ ngàng, xa lạ, Bình Thuận của tôi không còn mang linh hồn của Bình Thuận thửơ nào.
Tôi quyết định rời quê hương thân yêu, rời Bình Thuận thân thương. Và bây giờ, hơn ba mươi năm tôi vẫn còn trằn trọc kiếp sống ly hương với niềm thương nhớ Bình Thuận khôn nguôi.
Bình Thuận ơi! Bình Thuận của quê hương và ân tình. Trong cơn mơ, tôi thấy quê hương không còn bóng giặc và linh hồn Bình Thuận lại sáng hơn xưa.

Lê Văn Thắng

K3SQTB/THSQ-QLVNCH
(1/10/ 2009)

1 comment:

ThanhVan_q4 said...

Xin điều chỉnh Thông Tin - Lê văn Thắng thuộc Đại đội 728 khóa sinh TD3 khóa 4/72B - là Việt kiều UC đã qua đời sau khi gặp anh em TD3 tại SAIGON nhiều lần !!